banner image
banner image

10 Tỉnh Có Diện Tích Lớn Nhất Việt Nam

1. Nghệ An - 16.493,7 km²

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Vinh, nằm cách thủ đô Hà Nội 291 km về phía nam. Trước đây, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh có cùng một tên chung là Hoan Châu (trước đời Nhà Lý), Nghệ An châu (đời Nhà Lý, Trần), xứ Nghệ (năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông), rồi trấn Nghệ An. Năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam). Năm 1976 đến 1991, Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành một tỉnh- Nghệ Tĩnh. Từ năm 1991, lại tách ra thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nghệ An là một tỉnh có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển. Phía Tây là dãy núi Bắc Trường Sơn. Tỉnh có 10 huyện miền núi, trong số đó 5 huyện là miền núi cao. Các huyện miền núi này tạo thành miền Tây Nghệ An. Có 9 huyện trong số trên nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các huyện, thị còn lại là trung du và ven biển, trong đó Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, và Cửa Lò giáp biển.

Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt hè, đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, tỉnh chịu ảnh hưởng của gió phơn tây nam khô và nóng. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt. Nghệ An có đường biên giới với Lào dài 419 km, là tỉnh có đường biên giới dài trên bộ dài nhất Việt Nam.

2. Gia Lai - 15.510,8 km²

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 Việt Nam và là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực phía bắc của vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Nguồn gốc tên gọi Gia Lai bắt nguồn từ chữ Jarai, tên gọi của một dân tộc thiểu số trong tỉnh, cách gọi này vẫn còn giữ trong tiếng của người Ê-đê, Ba Na, Lào, Thái Lan và Campuchia để gọi vùng đất này là Jarai, Charay, Ia Grai có nghĩa là vùng đất của người Jarai, có lẽ ám chỉ vùng đất của Thủy Xá và Hỏa Xá thuộc tiểu quốc Jarai xưa.

Tỉnh Gia Lai được tái lập vào ngày 12 tháng 8 năm 1991 khi tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách thành hai tỉnh là Gia Lai và Kon Tum. Tỉnh lỵ tỉnh Gia Lai được đặt tại thành phố Pleiku. Hiện nay tỉnh Gia Lai có hơn 8 dân tộc cùng sinh sống, chiếm nhiều nhất là người Kinh với 52,5%. Vùng trung tâm tỉnh Gia Lai như thành phố Pleiku là nơi người Kinh tập trung đông nhất (87,5%). Tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố 2 thị xã và 14 huyện, được phân chia thành gồm có 24 phường, 14 thị trấn và 184 xã.

Gia Lai nằm trên một phần của nền đá cổ rộng lớn, dày trên 4.000 m, thuộc Địa khối Kon Tum. Địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và nghiêng từ đông sang tây, với các đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ nhau khá phức tạp. Địa hình Gia Lai có thể chia thành 3 dạng chính là địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng. Trong đó, Cao nguyên là dạng địa hình phổ biến và quan trọng của Gia Lai, với hai cao nguyên là Cao nguyên Kon Hà Nừng và Cao nguyên Pleiku. Địa hình thứ hai là địa hình đồi núi, chiếm 2/5 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phần lớn nằm ở phía bắc, địa hình núi phân cách mạnh, bề mặt các dạng địa hình khác của Gia Lai như các cao nguyên, những thung lũng đồng bằng cũng đều rải rác có núi. Địa hình thứ ba là Các vùng trũng, những vùng này sớm được con người khai thác để sản xuất lương thực. Hầu hết các vùng trũng nằm ở phía đông của tỉnh

3. Sơn La - 14.125 km²

Tỉnh Sơn La có diện tích 14.125  km² chiếm 4,27% tổng diện tích Việt Nam, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh thành phố. Phía bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu; phía đông giáp các tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình; phía tây giáp với tỉnh Điện Biên; phía nam giáp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Huaphanh (Lào); phía tây nam giáp tỉnh Luangprabang (Lào). Sơn La có đường biên giới quốc gia dài 250 km, chiều dài giáp ranh với các tỉnh khác là 628 km. Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính (1 thành phố, 11 huyện) với 12 dân tộc.

Sơn La có độ cao trung bình 600 - 700m so với mặt biển, địa hình chia cắt sâu và mạnh, 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã, có 2 cao nguyên là Cao nguyên Mộc Châu và Cao nguyên Sơn La, địa hình tương đối bằng phẳng. Cùng với các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La là mái nhà của đồng bằng Bắc Bộ. Địa hình phần lớn là đồi núi, trong đó các đồi núi cao tập trung ở các huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Bắc Yên,... Sơn La có dòng sông Mã, sông Đà đi qua, phù sa từ 2 con sông này đã bồi nên những thung lũng, 2 dòng sông này còn gây ra tình trạng xâm thực, sức nước mạnh khoét sâu vào các ngọn đồi, làm sụp những phần đất cao và mở rộng thung lũng ra. Phía Đông là các cao nguyên rộng lớn như cao nguyên Mộc Châu, đây là nơi có đồng cỏ lớn, là nơi chăn nuôi gia súc phù hợp. Địa hình cao, sông suối nhiều, lắm thác ghềnh, nên đây là nơi có nguồn thủy điện dồi dài, nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng ở đây là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á hiện tại. Phía Bắc và Đông là những dãy núi cao vắt ngang chắn lại các lối giao thông, vì thế đã tạo ra các đèo như đèo Pha Đin, đèo Tà Xùa,...

4. Đắk Lắk - 13.030,5 km²

Đắk Lắk nghĩa là "hồ Lắk", là tỉnh có diện tích lớn thứ 4 nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, tách tỉnh Đăk Lăk thành hai tỉnh là Đăk Lăk và Đăk Nông. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận. Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện, được phân chia thành 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 20 phường, 12 thị trấn và 152 xã

Đắk Lắk có địa hình có hướng thấp dần từ đông nam sang tây bắc: nằm ở phía tây và cuối dãy Trương Sơn, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven các dòng sông chính. Khí hậu toàn tỉnh được chia thành hai tiểu vùng. Vùng phía tây bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô, vùng phía đông và phía nam có khí hậu mát mẻ, ôn hoà. thời tiết chia làm 2 mùa khá rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

5. Thanh Hoá - 11.114,7 km²

Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc nhà nước, cũng là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ.

Thanh Hóa là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện. Về hành chính, Thanh Hóa là tỉnh cực bắc Trung Bộ, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Về địa chất, miền núi Thanh Hóa là sự nối dài của Tây Bắc Bộ trong khi đồng bằng Thanh Hóa là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, ngoài ra một phần nhỏ (phía bắc huyện Nga Sơn) thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng. Về khí hậu, Thanh Hóa vừa có kiểu khí hậu của miền Bắc lại vừa mang những hình thái khí hậu của miền Trung. 

Thanh Hóa bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh, 1 thị xã và 24 huyện, với diện tích 11.133,4 km² và số dân 3.712.600 người với 7 dân tộc Kinh, Mường, Thái, H'mông, Dao, Thổ, Khơ-mú, trong đó có khoảng 855.000 người sống ở thành thị. Năm 2005, Thanh Hóa có 2,16 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 58,8% dân số toàn tỉnh, lao động đã qua đào tạo chiếm 27%, trong đó lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 5,4%. Năm 2017, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên của vùng Bắc Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn).

6. Quảng Nam - 10.438,4 km²

Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Quảng Nam còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Với diện tích 10,438 km² và dân số trung bình hơn 1.480 triệu người (2015), Quảng Nam đứng thứ 6 về diện tích, thứ 19 về dân số trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mật độ dân số là 173 người/km² (đứng thứ 42/63) so với 277 người/km² của cả nước. Năm 2008, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên của duyên hải Nam Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Tam Kỳ, Hội An).

Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 15 huyện với 247 xã, phường, thị trấn. Tỉnh lỵ của Quảng Nam đặt tại thành phố Tam Kỳ. Địa hình thấp dần từ tây sang đông và chia làm 3 vùng: vùng núi phía tây, trung du ở giữa và đồng bằng ven biển phía đông. Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 25 °C, lượng mưa trung bình hàng năm đạt 2.000-2.500mm với hơn 70% tập trung vào 3 tháng mùa mưa (tháng 10, 11 và 12). Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ là hai lưu vực sông chính.

Rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh là kiểu sinh thái chủ đạo của Quảng Nam. Quảng Nam là tỉnh giàu tiềm năng rừng nhưng do bị khai thác quá mức trong một thời gian dài nên diện tích rừng nguyên sinh còn ít. Việc đẩy mạnh trồng rừng trong những năm gần đây đã tăng diện tích đất có rừng của Quảng Nam lên hơn 55% vào năm 2014. Đây là một trong những địa phương có diện tích đất có rừng cao nhất cả nước. Rừng đặc dụng Sông Thanh là khu bảo tồn lớn nhất tỉnh, nơi mà các động vật hoang dã khu vực Trung Trường Sơn đang được bảo tồn. Nhân sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý phân bố chủ yếu ở độ cao trên 1,000 m của núi Ngọc Linh.

7. Lâm Đồng - 9.783,2 km²

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên - Di Linh với độ cao 1500 mét so với mực nước biển và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế. Tỉnh lỵ là thành phố Đà Lạt nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 300 km về hướng Bắc, đồng thời cách cảng biển Nha Trang 135 km về hướng Tây. Năm 2010, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Đà Lạt, Bảo Lộc).

Phía bắc tỉnh là dãy núi Yang Bông có đỉnh cao 1749 mét. Dãy núi phía nam có đỉnh Đan Sê Na cao 1950 mét, đỉnh Lang Biang cao 2163 mét, Hòn Giao cao 1948 mét. phía nam hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trên đó có thành phố Đà Lạt ở độ cao 1475 mét. phía đông và nam tỉnh có cao nguyên Di Linh cao 1010 mét, địa hình khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà

8. Kon Tum - 9.674,2 km²

Kon Tum là một tỉnh thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên của Việt Nam, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn. Tỉnh Kon Tum hiện có 1 thành phố và 9 huyện, Trong đó có với 97 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 6 thị trấn, 10 phường và 86 xã

Địa hình Kon Tum chủ yếu là đồi núi, chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên. Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía bắc - tây bắc chạy sang phía đông tỉnh Kon Tum, đa dạng với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp, tạo ra những cảnh quan phong phú, đa dạng vừa mang tính đặc thù của tiểu vùng, vừa mang tính đan xen và hoà nhập, Kon Tum có độ cao trung bình từ 500 mét đến 700 mét, riêng phía Bắc có độ cao từ 800 mét - 1.200 mét, đặc biệt có đỉnh Ngọc Linh cao nhất với độ cao 2.596 mét

9. Điện Biên - 9.541 km²

Điện Biên giáp tỉnh Sơn La về phía Đông và Đông Bắc, giáp tỉnh Lai Châu về phía Bắc, giáp tỉnh Vân Nam của nước Trung Quốc về phía Tây Bắc và giáp nước Lào về phía Tây và Tây Nam. Tỉnh lỵ của Điện Biên là thành phố Điện Biên Phủ. Điện Biên gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ và lễ hội hoa ban. Tỉnh Điện Biên gồm có 10 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, được phân chia thành 130 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 9 phường, 5 thị trấn và 116 xã.

Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc Việt Nam. Điện Biên nằm cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, dài hơn 400 km: đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360 km và đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 40,86 km

10. Lai Châu - 9.068,8 km²

Lai Châu là tỉnh ở biên giới, phía bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía tây và phía tây nam giáp tỉnh Điện Biên, phía đông giáp tỉnh Lào Cai, phía đông nam giáp tỉnh Yên Bái, và phía nam giáp tỉnh Sơn La. Lai Châu có 1 thành phố và 7 huyện bao gồm 108 đơn vị cấp xã gồm 5 phường, 7 thị trấn và 96 xã.

Địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046 m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông suối. Sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Lai Châu có đặc điểm địa hình là vùng lãnh thổ nhiều dãy núi và cao nguyên. phía đông khu vực này là dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía tây là dãy núi Sông Mã (độ cao 1.800 m). Giữa hai dãy núi đồ sộ trên là phần đất thuộc vùng núi thấp tương đối rộng lớn và lưu vực sông Đà với nhiều cao nguyên đá vôi (dài 400 km, rộng từ 1 – 25 km, cao 600 – 1.000 m). Trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25°, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – Đông Nam, xen kẽ là các thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng như: Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên… Có đỉnh núi Phan Xi Păng cao 3.143 m, Pu Sam Cáp cao 1.700 m… Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều sông suối, nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên có nhiều tiềm năng về thuỷ điện.

Theo Top10VF
10 Tỉnh Có Diện Tích Lớn Nhất Việt Nam 10 Tỉnh Có Diện Tích Lớn Nhất Việt Nam Reviewed by Sidol Media on 2:30 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.