banner image
banner image

10 Con Sông Dài Nhất Châu Á

1. Sông Trường Giang - 6 300 km

Trường Giang (giản thể: 长江; phồn thể: 長江; pinyin: Cháng Jiāng; Wade-Giles: Ch'ang Chiang) hay sông Dương Tử (扬子江; Yángzǐ Jiāng hay Yangtze Kiang; Hán-Việt: Dương Tử Giang) là con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau sông Nin ở Châu Phi, sông Amazon ở Nam Mỹ.

Trường Giang dài khoảng 6.385 km, bắt nguồn từ phía tây Trung Quốc (Thanh Hải) và chảy về phía đông đổ ra Biển Hoa Đông, Trung Quốc. Thông thường sông này được coi như điểm phân chia giữa hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam Trung Quốc.

Cùng với Hoàng Hà, Trường Giang là sông quan trọng nhất trong lịch sử, văn hóa, và kinh tế của Trung Quốc. Đồng bằng châu thổ Trường Giang màu mỡ tạo ra 20% GDP của Trung Quốc. Trường Giang chảy qua nhiều hệ sinh thái đa dạng và bản thân nó cũng là nơi sinh sống cho nhiều loài đặc hữu và loài nguy cấp như Cá sấu Trung Quốc và Cá tầm Dương Tử. Qua hàng ngàn năm, người dân đã sử dụng con sông để lấy nước, tưới tiêu, ngọt hóa, vận tải, công nghiệp, ranh giới và chiến tranh. Đập Tam Hiệp trên Trường Giang là công trình thủy điện lớn nhất thế giới.

2. Hệ thống sông Enisei-Angara-Selenga-Ider - 5 539 km

Hệ thống sông Enisei-Angara-Selenga-Ider là một trong những hệ thống sông lớn nhất đổ ra Bắc Băng Dương. Hệ thống sông này có diện tích lưu vực và chiều dài nhỏ hơn của hệ thống Mississippi-Missouri tại Hoa Kỳ nhưng lưu lượng nước trung bình thì cao gấp 1,5 lần. Bắt nguồn từ Mông Cổ, nó chảy theo hướng bắc để đổ ra biển Kara, tưới tiêu cho một phần rộng lớn của Trung Siberi, dòng chảy dài nhất là Enisei-Angara-Selenga-Ider.

Sông Enisei (tiếng Nga: Енисей) dài 3.487km, là đoạn sông cuối cùng bắt đầu từ Strelka ra biển. Sông Enisei bị đóng băng trên 6 tháng mỗi năm, và các tảng băng không bị kiềm chế có thể ngăn cản lòng sông gây ra ngập lụt lớn. Các loại thuốc nổ được sử dụng để duy trì dòng chảy của nước. Thị trấn cuối cùng là Dudinka, được nối với Krasnoyarsk bằng tàu khách. Lòng sông mở rộng tới 50 km tại khu vực cửa sông trong 250 km cuối cùng và đường thủy dành cho tàu bè được duy trì nhờ tàu phá băng.

Sông Angara (tiếng Buryat: Ангар, Angar, lit. "kẽ nứt"; tiếng Nga: Ангара́, Angará) là một con sông dài 1.779 km (1.105 dặm) chảy trong tỉnh Irkutsk và Krasnoyarsk krai ở miền đông nam Siberi, Nga. Nó là con sông duy nhất chảy ra từ hồ Baikal, và là chi lưu nhiều nước nhất bên hữu ngạn của sông Enisei. Lưu lượng trung bình năm tại đầu nguồn sông này là 1.940 m³/s, tại cửa sông là 5.100 m³/s. Vận tốc dòng chảy ở đầu nguồn khoảng 5–8 km/h. Sông Angara chảy từ hồ Baikal và vì thế đầu nguồn của nó là rộng nhất trong số các đầu nguồn của các con sông trên thế giới. Nó rộng 863 m, độ sâu tối đa 4–6 m, tối thiểu 0,5-0,7 m.

Sông Selenga (tiếng Nga: Селенга) hay sông Selenge (tiếng Mông Cổ: Сэлэнгэ гол, Сэлэнгэ мөрөн, Buryat: Сэлэнгэ гол) là một con sông chảy qua Mông Cổ và Nga. Các sông đầu nguồn của nó là Ideriin gol (sơ cấp) và Delgermoron (thứ cấp). Nó chảy vào hồ Baikal, tạo thành vùng đồng bằng châu thổ có diện tích khoảng 680 km². Sông Selenge có chiều dài 992 km, trong đó khoảng 409 km chảy trong lãnh thổ Nga.

Sông Ideriin gol (tiếng Mông Cổ: Идэрийн гол, nghĩa là tuổi trẻ) dài 452 km, là một con sông chảy trong các aimag (tỉnh) Khovsgol và Zavkhan ở tây bắc Mông Cổ và cùng với sông Delgermoron tạo thành phần thượng nguồn của sông Selenge. Nó bắt nguồn từ dãy núi Khangai, hợp lưu với sông Delgermoron tại sum (huyện) Tomorbulag. Sông Ideriin gol bị đóng băng khoảng 170-180 ngày mỗi năm. Có một cầu gỗ bắc qua sông tại Jargalant và một cầu bê tông tại Galt.

3. Sông Hoàng Hà - 5 464 km

Hoàng Hà (tiếng Hán: 黃河; pinyin: Huáng Hé; Wade-Giles: Hwang-ho, nghĩa là "sông màu vàng"), là con sông dài thứ hai châu Á xếp sau sông Trường Giang (Dương Tử) với chiều dài 5.464 km. 

Sông Hoàng Hà chảy qua chín tỉnh của CHND Trung Hoa, bắt nguồn từ dãy núi Côn Lôn ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, từ độ cao 4.500 m trong vùng lòng chảo Yekuzonglie nằm ở phía bắc của dãy núi Bayankara (hay Ba Nhan Khách Lạp) trên cao nguyên Thanh Tạng. Hoàng Hà đổ ra Bột Hải ở vị trí gần thành phố Đông Dinh thuộc tỉnh Sơn Đông. Nó tưới tiêu cho một khu vực rộng 944.970 km vuông (364.417 dặm vuông), nhưng do tính chất khô cằn chủ đạo của vùng này (không giống như phần phía đông thuộc Hà Nam và Sơn Đông) nên lưu lượng nước của nó tương đối nhỏ. Tính theo lưu lượng nó chỉ bằng 1/15 của sông Trường Giang và 1/5 của sông Châu Giang

Trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc, Hoàng Hà vừa đem lại lợi ích vừa đem lại tai họa cho người dân, vì thế nó còn được coi là "Niềm kiêu hãnh của Trung Quốc" và "Nỗi buồn của Trung Quốc". Màu nước vàng của con sông là do phù sa mà nó mang theo. Hàng thế kỷ của việc bồi đắp và sự bao bọc của các con đê đã làm con sông này chảy ở độ cao lớn hơn so với đất nông nghiệp hai bên bờ, làm cho việc ngập lụt trở nên nguy hiểm hơn. Ngập lụt của Hoàng Hà đã gây ra sự chết chóc khủng khiếp trong lịch sử như năm 1887 Hoàng Hà đã giết chết khoảng 900.000-2.000.000 người và năm 1931 nó đã giết chết khoảng 1.000.000-3.700.000 người. 

4. Hệ thống sông Obi-Irtysh - 5 410 km

Hệ thống sông Obi-Irtysh là dòng sông có chiều dài 5.410 km, đây là dòng sông dài thứ tư châu Á, sau Trường Giang, Enisei và Hoàng Hà. Bao gồm hai con sông chính là sông Obi và sông Irtysh.

Sông Obi (tiếng Nga: Обь), dài 3.650, là một con sông chính ở miền tây Siberi, Nga, đồng thời là con sông dài thứ tư tại quốc gia này. Sông Obi được hình thành tại Altai krai, 13 km (8 dặm) về phía tây nam Biysk, do sự hợp lưu của hai con sông Biya và Katun. Cả hai con sông này đều bắt nguồn từ trong dãy núi Altay. Sông Biya, dài 301 km (187 dặm), chảy ra từ hồ Teletskoye, còn sông Katun dài 688 km (427 dặm), chảy ra từ một sông băng trên núi Byelukha. Sông Obi chảy ngoằn ngoèo về phía tây và bắc cho đến khi lên tới vĩ độ 55° bắc, tại đây nó uốn cong về phía tây bắc, và một lần nữa theo hướng bắc, và cuối cùng quay về hướng đông bắc để đổ vào vịnh Obi, một vịnh dài 966 km (600 dặm) của biển Kara, nối liền vào Bắc Băng Dương.

Sông Irtysh (tiếng Nga: Иртыш; tiếng Kazakh: Ertis/Эртiс; tiếng Tatar:İrteş/Иртеш; tiếng Trung: Erqisi / 额尔齐斯河 - Ngạch nhĩ tề tư hà), là một con sông tại Trung Á, sông nhánh chính của sông Obi. Tên gọi của nó có nghĩa là sông trắng. Trên thực tế, nó dài hơn sông Obi cho đến chỗ hợp lưu của hai con sông này. Sông nhánh chính của Irtysh là sông Tobol. Hệ thống sông Obi-Irtysh tạo thành một lưu vực chính tại châu Á, bao gồm phần lớn miền tây Siberi và dãy núi Altay. Từ đầu nguồn của nó, với tên gọi Kara-Irtysh (Irtysh đen) tại dãy núi Altay ở Tân Cương, Trung Quốc, Irtysh chảy theo hướng tây bắc qua hồ Zaysan, Kazakhstan cho đến khi nó gặp sông Obi gần Khanty-Mansiysk ở miền tây Siberi, Nga sau 4.248 km (2.640 dặm). Trang Иртыш ghi độ dài là 4.270 km, trong đó chảy qua Trung Quốc 525 km, Kazakhstan 1.835 km và Nga là 2.010 km. Diện tích lưu vực khoảng 1.643.000 km².

5. Sông Mêkông - 4 909 km

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam

Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực của nó rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông) hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Sông này xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Các quốc gia kể trên (trừ Trung Quốc) nằm trong Ủy hội sông Mê Kông. Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - người Việt thường gọi là "Biển Hồ"

6. Sông Amur - 4 444 km

Sông Amur (A-mua) hay Hắc Long Giang (tiếng Nga: Амур; tiếng Trung giản thể: 黑龙江, phồn thể: 黑龍江), tức "Hắc Long Giang" hay là "sông Rồng đen"; tiếng Mông Cổ: Хара-Мурэн, Khara-Muren có nghĩa là "sông Đen"; tiếng Mãn: Sahaliyan Ula cũng có nghĩa là "sông Đen"), với tổng chiều dài lên đến 4.444 km, nó trở thành con sông lớn thứ 10 trên thế giới, tạo thành biên giới tự nhiên giữa miền Viễn Đông của Nga và vùng Mãn Châu (tỉnh Hắc Long Giang) của Trung Quốc

Chảy dọc theo miền đông bắc châu Á trên 4.444 km (2.761 dặm), từ các dãy núi ở đông bắc Mông Cổ tới biển Okhotsk (gần Nikolayevsk-na-Amur), nó tưới tiêu cho một khu vực đáng kể, bao gồm nhiều loại cảnh quan đa dạng như sa mạc, thảo nguyên, lãnh nguyên (tundra) và rừng taiga, cuối cùng chảy vào Thái Bình Dương thông qua eo biển Tartar. Nó bao gồm hai nhánh lớn là sông Argun dài 1.620 km và sông Shilka dài 560 km

7. Sông Lêna - 4 400 km

Sông Lena (tiếng Nga: Лена) là một con sông ở miền đông Siberi. Nó là con sông dài thứ 10 trên thế giới, đứng thứ 7 khi tính theo diện tích lưu vực và là con sông dài nhất thế giới hoàn toàn chảy trong vùng băng giá vĩnh cửu. Nói chung, nó chảy trong lãnh thổ Cộng hòa Sakha (Yakutia), một phần các chi lưu của nó chảy trên lãnh thổ các tỉnh Irkutsk và Chita và Cộng hòa Buryatia. Tổng chiều dài của sông Lena là khoảng 4.400 km (2.800 dặm). Lưu vực sông Lena ước đạt 2.500.000 km². Vàng sa khoáng được tìm thấy trong cát của các sông Vitim và Olyokma, còn ngà voi ma mút đã được tìm thấy ở khu vực đồng bằng châu thổ

Bắt nguồn từ một đầm lầy ở độ cao khoảng 1.640 m tại khu vực dãy núi Baikal, miền nam cao nguyên Trung Siberi, khoảng 20 km về phía tây hồ Baikal, sông Lena chảy theo hướng đông bắc, tiếp nhận nước của sông Kirenga và sông Vitim. Phần thượng nguồn sông Lena (tới cửa sông Vitim), nghĩa là khoảng 1/3 chiều dài của nó, nằm trong khu vực miền núi ven hồ Baikal.  Ở hạ lưu, lưu vực sông Lena rất hẹp: từ phía đông là các nhánh núi của dãy Verkhoyansk - đường chia nước của sông Lena và sông Yana, còn từ phía tây là vùng đất cao nhỏ bé của cao nguyên Trung Siberi, phân chia lưu vực sông Lena với sông Olenek. Phía dưới làng Bulun, lòng sông bị ép lại bởi các dãy núi Kharaulakh từ phía đông và Chekanov từ phía tây. Dãy núi Verkhoyansk uốn nó theo hướng tây bắc; và sau khi tiếp nhận thêm nước từ chi lưu tả ngạn quan trọng nhất là sông Viljui thì nó chảy gần như là theo hướng bắc tới biển Laptev, một bộ phận của Bắc Băng Dương, đổ vào phía tây nam của quần đảo NovoSiberi.

8. Sông Shatt al-Arab hay hệ thống sông Euphrates - Tigris - 3 596 km

Shatt al-Arab (tiếng Ả Rập: شط العرب‎, nghĩa là "Bờ biển/bãi biển của người Ả Rập") hay Arvand Rūd (tiếng Ba Tư: اروندرود‎, "sông Arvand"), là một sông tại Tây Nam Á có chiều dài khoảng 200 km (120 mi), được tạo thành bằng sự hợp lưu của hai sông Euphrates và Tigris tại thị trấn al-Qurnah tại tỉnh Basra ở miền nam Iraq. Phần cực nam của sông tạo thành biên giới tự nhiên giữa Iraq và Iran cho đến khi đổ vào vịnh Ba Tư. 

Euphrates (tiếng Ả Rập: نهر الفرات, Nahr ul-Furāt; Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Fırat; tiếng Syria: ܦܪܬ, Prāṯ; tiếng Việt: Ơ-phơ-rát được phiên âm từ tiếng Pháp: Euphrate) là con sông phía tây trong hai con sông làm nền tảng cho nền văn minh Lưỡng Hà, khởi nguồn từ Anatolia. Sông Euphrates dài khoảng 2.781 km. Nó được tạo thành bởi hai nhánh chính: nhánh Kara Su khởi nguồn từ khoảng 30 km về hướng đông bắc Erzurum, trong dãy núi Karrgapazari (khoảng 100 km cách góc đông bắc của biển Đen) và nhánh Murat khởi nguồn từ khoảng 70 km về hướng đông bắc của hồ Van, nửa đường từ hồ Van tới núi Ararat.

Tigris (Tiếng Việt: Tigrơ, tiếng Pháp: Tigre) là con sông phía đông thuộc hai con sông lớn phân định nền văn minh Lưỡng Hà, cùng với sông Euphrates. Sông Tigris dài khoảng 1.900 km, bắt nguồn từ Dãy núi Taurus phía đông Thổ Nhĩ Kỳ và chảy theo hướng đông nam đên khi nhập vào Euphrates gần Al Qurna ở phía nam Iraq. Sông Tigris có nhiều nhánh, bao gồm Diyala và thượng và hạ lưu của các sông Zab. 

9. Sông Ấn - 3 180 km

Sông Ấn Độ gọi tắt là Sông Ấn (Sindh darya), còn được ghi lại là Sindhu (tiếng Phạn), Sinthos (tiếng Hy Lạp), và Sindus (tiếng Latinh), là con sông chính của Pakistan. Trước năm 1947 khi xảy ra Ấn Hồi phân chia thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan thì sông Ấn là con sông lớn thứ nhì sau sông Hằng của xứ Ấn Độ ở vùng Nam Á. Con sông này có vai trò quan trọng về mặt văn hóa lẫn thương mại của cả khu vực. Địa danh "Ấn Độ" cũng xuất phát từ tên của con sông này.

Sông Ấn này bắt nguồn từ Thượng nguồn của sông Ấn nằm ở Tây Tạng, bắt đầu ở hợp lưu của hai con sông: sông Sengge và sông Gar, nhận nước từ núi Nganglong Kangri và Gangdise Shan, chảy từ dãy núi Himalaya theo hướng Đông nam lên tây bắc qua Kashmir trước khi rẽ về hướng nam, chếch tây nam tây nam sau khi vào địa phận Pakistan. Chiều dài của sông Ấn tùy theo cách đo đạc, dao động từ 2.900 đến 3.200 km. Sông Ấn là cái nôi của một nền văn minh cổ đại nơi đã sớm xuất hiện những đô thị đầu tiên trên thế giới.

10. Sông Syr Darya -  Naryn - 3 078 km

Syr Darya (tiếng Kazakh: Сырдария; tiếng Tajik: Сирдарё; tiếng Uzbek: Sirdaryo; tiếng Ba Tư: سيردريا‎, chuyển tự Syrdarya hay Sirdaryo) là một sông ở Trung Á, đôi khi còn gọi là Jaxartes hay Yaxartes từ tên gọi theo tiếng Hy Lạp cổ đại ὁ Ιαξάρτης.

Con sông này bắt nguồn bằng hai đầu nguồn trong dãy Thiên Sơn ở Kyrgyzstan và đông Uzbekistan và chảy trong khoảng 2.212 km (1.380 dặm) theo hướng tây và tây bắc qua miền nam Kazakhstan tới phần còn lại của biển Aral. Dọc theo luồng chảy của mình, nó tưới tiêu cho phần lớn các khu vực đất màu mỡ trồng bông của toàn bộ khu vực Trung Á, cùng với việc cấp nước cho các thành phố như Kokand, Khujand, Kyzyl-Orda và Turkestan.

Sông Amu Darya (còn gọi là Amudarya, Amudar'ya, tiếng Tajik: Омударё hay дарёи Ому - Omudaryo hay daryoi Omu; tiếng Ba Tư: آمودریا‎ - Âmudaryâ; tiếng Uzbek: Amudaryo, tiếng Turkmen: Amyderýa, với darya (Pahlavi) nghĩa là biển hay sông rất lớn) là một con sông ở Trung Á. Chiều dài đường giao thông thủy khoảng 1.450 km (800 dặm). Tổng chiều dài của nó là 2.400 km (1.500 dặm). Trong thời Cổ đại, con sông này có tên gọi là Oxus theo tiếng Hy Lạp.

Sông Naryn River (Kyrgyz: Нарын, Russian: Нарын, Uzbek: Norin)chảy từ dãy Thiên Sơn ở Kyrgyzstan, chảy theo hướng Tây qua thung lũng Fergana, vào Uzbekistan. Ở đây, nó hợp lưu với dòng Kara Darya để tạo thành sông Syr Darya. Chiều dài khoảng 807 km, và lưu lượng khoảng 59.100 km2. Dòng sông có tiềm năng rất lớn về thuỷ điện, nhà máy lớn nhất là Toktogul ở Kyrgyzstan. Những chi lưu của Naryn bao gồm: Kichi-Naryn, At-Bashi, On Archa, Kadjyrty, Chychkan, Alabuga, Kokomeren,...

Theo VFlist
10 Con Sông Dài Nhất Châu Á 10 Con Sông Dài Nhất Châu Á Reviewed by Sidol Media on 10:30 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.