banner image
banner image

10 Vườn Quốc Gia Lớn Nhất Việt Nam

1. VQG Yok Đôn

Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, nằm trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M'Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông); vườn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía tây bắc. Vườn quốc gia Yok Don được phê duyệt theo quyết định số 352/CT ngày 29 tháng 10 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam với mục đích bảo vệ 58.200 ha hệ sinh thái rừng khộp đất thấp. Ngày 24 tháng 6 năm 1992 Bộ Lâm nghiệp ra quyết định 301/TCLĐ thành lập Vườn quốc gia Yok Don trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Vườn quốc gia Yok Don được mở rộng theo quyết định số 39/2002/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Được mở rộng với diện tích 115.545 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 80.947 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 30.426 ha và phân khu dịch vụ hành chính là 4.172 ha. Vùng đệm: có diện tích 133.890 ha, bao gồm các xã bao quanh Vườn quốc gia. Vườn nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng, với hai ngọn núi nhỏ ở phía nam của sông Serepôk. Rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Yok Don cũng là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

Nơi đây có 89 loài động vật có vú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 858 loài thực vật, hàng trăm loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài côn trùng. Vườn có voi rừng, trâu rừng và bò tót, báo gấm, báo hoa mai, lợn rừng,.. Đây là nơi trú ngụ của một số loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như: bò xám (Bos sauveli), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), nai cà tông (Cervus eldi), bò banteng (Bos javanicus), voi châu Á (Elephas maximus), hổ (Panthera tigris), sói đỏ (Cuon alpinus) và chà vá chân đen (Pygathris nigripes). Công tác điều tra vẫn đang tiếp tục, nhưng các kết quả nghiên cứu cho thấy vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những nơi có khu hệ chim phong phú nhất Đông Dương

2. VQG Pù Mát

Vườn quốc gia Pù Mát là một khu rừng đặc dụng ở phía tây tỉnh Nghệ An. Tiếng Thái, Pù Mát có nghĩa là những con dốc cao. Được thành lập theo quyết định số 174/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2001 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia. Vườn quốc gia Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007. Tổng diện tích của Vườn quốc gia Pù Mát là 94.804 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An. Vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích 86.000 ha.

Pù Mát là một trong những điểm được nghiên cứu rất kỹ về đa dạng sinh học. Cho đến nay đã có 1.144 loài thực vật có mạch được ghi nhận là phân bố ở Pù Mát. Trong đó có 3 loài là mới cho khoa học: Cleistanthus spp. nov., Phyllagathis spp. nov. và Phrynium pumatensis. Kiểu rừng đặc trưng nhất là rừng thường xanh trên đất thấp với ưu thế của các cây họ dầu (Dipterocarpaceae) (Hopea spp. và Dipterocarpus spp.), Dẻ (Fagaceae) (Quercus spp., Lithocarpus spp. và Castanopsis spp.) và Long não Lauraceae (Cinnamomum spp. và Litsea spp.).

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở đây có 3 loài thú đặc hữu Đông Dương: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), thỏ sọc Bắc Bộ (Nesolagus spp. nov.), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), vượn má hung (Hylobates gabriellae). Ngoài ra còn có các ghi nhận về mang lớn, mang Trường Sơn, voọc chà vá chân nâu, hổ, voi, cầy vằn.. Tổng số có 259 loài chim được phát hiện, trong đó 22 loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều loài chim quý, hiếm như trĩ sao, niệng cổ hung..

3. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một vườn quốc gia của Việt Nam, nằm tại huyện Bố Trạch, và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Vườn quốc gia này giáp khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno ở tỉnh Khammouan, Lào về phía tây, cách Biển Đông 42 km về phía đông kể từ biên giới của hai quốc gia.

Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha thuộc lãnh thổ Việt Nam, khu vực lãnh thổ Lào tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng 200.000 ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định mở rộng vườn quốc gia này lên 1233,26 km2. Vườn quốc gia này được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km nhưng các nhà thám hiểm hang động Anh và Việt Nam mới chỉ thám hiểm 20 km, trong đó 17 km ở khu vực Phong Nha và 3 km ở khu vực Kẻ Bàng.

Tháng 4 năm 2009, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới (dài trên 5 km, cao 200 m, và rộng 150 m), lớn hơn nhiều so với hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak, Malaysia, lớn gấp 4 đến 5 lần so với Phong Nha. Trong đợt khảo sát này, đoàn thám hiểm cũng tìm thấy nhiều hang động khác. Kiến tạo carxtơ của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được hình thành từ 400 triệu năm trước, từ thời kỳ Đại Cổ Sinh do đó là carxtơ cổ nhất ở châu Á

Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái Đất, giúp nghiên cứu lịch sử hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực. Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015.

4. VQG Cát Tiên

Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 6 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới. Được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13 tháng 1 năm 1992 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 360/TTg, ngày 7 tháng 7 năm 1978 của Thủ tướng chính phủ) và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Vườn quốc gia Cát Tiên nằm ở khu vực có toạ độ từ 11°20′50" tới 11°50′20" vĩ bắc, và từ 107°09′05" tới 107°35′20" kinh đông, trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước với tổng diện tích là 71.920 ha.

Tổng diện tích của Cát Tiên là 719,20 km² ( Trong đó: Đồng Nai: 392,67 km², Lâm Đồng: 278,50 km², Bình Phước: 44,43 km²). Khoảng 50% diện tích của Cát Tiên là rừng cây xanh, 40% là rừng tre, 10% là nông trại. Động vật đặc trưng có: tê giác Java một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, nai...Các loài chim của Cát Tiên cũng phong phú đa dạng: đại bàng đen, vịt trời cánh trắng, chim mỏ sừng lớn...Cát Tiên là nơi cư ngụ của 40 loài nằm trong Sách đỏ thế giới, trong đó đặc biệt là loài tê giác một sừng. Cư dân địa phương và người Trung Hoa tin rằng khả năng chữa bệnh của sừng tê giác như thần dược và được mua bán với giá cao trên thị trường (khoảng trên dưới 20.000 USD/sừng). Ngoài lượng động vật phong phú, Cát Tiên còn là địa bàn của 62 loại lan.

Cát Tiên cũng được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới". Ngày 4 tháng 8 năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận Hệ đất ngập nước Bàu Sấu là Khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ hai của Việt Nam với tổng diện tích là 13.759 ha (trong đó có 5.360 ha đất ngập nước theo mùa, 151ha đất ngập nước quanh năm).

5. VQG Bidoup - Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà là một vườn quốc gia nằm ở trung tâm cao nguyên Langbiang, trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 50 km theo tỉnh lộ 723. Nơi đây được mệnh danh là "Mái nhà Tây Nguyên" với tổng diện tích là 648 km²

Được thành lập vào năm 2004, tên của nó được ghép từ tên của hai đỉnh núi cao nhất của cao nguyên Langbiang là Bidoup (2.287 mét, đỉnh cao nhất Lâm Đồng) và Núi Bà (2.167 mét). Đây là một trong số những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, vườn quốc gia là một phần của khu dự trữ sinh quyển Langbiang được UNESCO công nhận.

Vườn quốc gia nằm trong vùng sinh thái dãy núi Trường Sơn bao gồm hai kiểu rừng là rừng lá kim và rừng thường xanh. là nơi ghi nhận có hơn 1933 loài thực vật có mạch, trong đó có 96 loài đặc hữu và 62 loài quý hiếm được liệt kê trong Sách Đỏ IUCN năm 2009. Hơn 14 loài trong tổng số 33 loài cây lá kim ở Việt Nam có mặt tại đây, trong đó có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm như Thông hai lá dẹt (loài được biết đến như là hóa thạch sống), Thông lá dài, thông đỏ, Sam hạt đỏ lá dài, Phong lan cùng nhiều loài nấm..

Về động vật, đây là nơi sinh sống của 441 loài động vật có xương sống, 32 loài được liệt kê trong Sách Đỏ IUCN bao gồm nhiều loài động vật quý hiếm như Cu li chậm lùn, Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng Nam, vượn má hung, Gấu ngựa, Sói đỏ, Bò tót, Tì linh..Nằm giữa vùng chim đặc hữu Tây Nguyên, vườn quốc gia còn là nơi sinh sống hẹp của Trĩ sao, Trèo cây mỏ vàng, Khướu đầu đen, Khướu đầu xám, Khướu đầu đen má xám, Khướu mỏ dài và Sẻ thông họng vàng.

6. VQG Chư Yang Sin

Vườn quốc gia Chư Yang Sin là một khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 92/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm trên địa bàn các xã: Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hoà Phong, Hoà Lễ, Hoà Sơn, Khuê Ngọc Điền thuộc huyện Krông Bông và các xã: Yang Tao, Bông Krang, Krông Nô, Đắk Phơi thuộc huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk. Tại đây có đỉnh núi Chư Yang Sin (2.442 mét) cao nhất hệ thống núi cao cực Nam Trung Bộ. Phía Đông: dọc sông Krông Bông đến ngã ba suối Ya Brô đến đường phân thuỷ sông Krông Ana. Phía Tây: từ suối Đắk Cao đến ngã ba suối Đắk Kial và đến đường phân thuỷ giữa Đắk Cao và Đắk Phơi. Phía Nam: dọc sông Krông Nô, ranh giới Đăk Lăk và Lâm Đồng. Phía Bắc: bắt đầu từ thác Krông Kmar qua dãy Chư Ju - Chư Jang Bông đến suối Ea Ktuor.

Tổng diện tích là: 58.947 ha. Trong đó gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 19.401 ha, Phân khu phục hồi sinh thái: 39.526 ha, Phân khu hành chính, dịch vụ: 20 ha. Diện tích vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Yang Sin là 183.479 ha, nằm trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Lâm Hà thuộc tỉnh Lâm Đồng và các huyện Krông Bông, Lắk thuộc tỉnh Đắk Lắk. Có 876 loài thực vật (143 loài đặc hữu Việt Nam, 54 có tên trong sách đỏ Việt Nam); 203 loài chim; 46 loài thú được ghi nhận có mặt ở đây.

7. VQG Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray, nguyên là khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray, thuộc tỉnh Kon Tum, là một vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam số 103/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2002. Vườn quốc gia Chư Mom Ray được coi là vương quốc khỉ, vượn vì nhiều loài khỉ, vượn quý hiếm có tên trong sách đỏ đã được đưa về đây. Hầu hết những con khỉ, vượn quý hiếm đều được đưa về trong tình trạng sắp chết, sau đó được cứu sống. Khi thương tích lành, lũ khỉ, vượn lại trở về với đời sống bản năng, kết hợp với lũ khỉ, vượn ở từ trước đó, chúng biến Vườn quốc gia Chư Mom Ray thành vương quốc riêng

Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở phía bắc Tây Nguyên và phía tây của tỉnh Kon Tum, trên địa phận của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Phía bắc giáp địa giới hành chính các xã: Bờ Y, Sa Loong (thuộc huyện Ngọc Hồi). Phía nam giáp địa giới hành chính các xã Mô Rai, Ya Xiêr (thuộc huyện Sa Thầy). Phía đông giáp địa giới hành chính các xã: Rơ Kơi, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy. Phía tây giáp biên giới Việt Nam -Campuchia–Lào.

Tổng diện tích là: 56.621 ha. Bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 40.566 ha. Phân khu phục hồi sinh thái: 12.137 ha. Phân khu hành chính dịch vụ và du lịch: 3.918 ha. Vùng đệm của vườn quốc gia Chư Mom Ray có diện tích 188.749 ha bao gồm các xã: Bờ Y, Sa Loong (thuộc huyện Ngọc Hồi); Rơ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, Ya Xiêr, thị trấn Sa Thầy (thuộc huyện Sa Thầy), tỉnh Kon Tum.

8. VQG Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một vườn quốc gia tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Được thành lập theo quyết định số 142/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 14 tháng 7 năm 2003 trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi (thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986).

Ngày 26 tháng 5 năm 2009, cùng với cù lao Chàm, vườn quốc gia này được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển. Ngày 13 tháng 4 năm 2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, thứ 2 tại Đồng bằng sông Cửu Long và thứ năm của Việt Nam

Tổng diện tích tự nhiên: 41.862 ha, trong đó: Diện tích phần trên đất liền: 15.262 ha. Diện tích phần ven biển: 26.600 ha. Phân khu chức năng trên đất liền: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 12.203 ha. Thuộc tiểu khu 2 và tiểu khu 3 của khu rừng đặc dụng Đất Mũi và khu rừng phòng hộ bãi bồi. Phân khu phục hồi sinh thái: 2.859 ha. Thuộc tiểu khu 4 và phần ven biển tiểu khu 1 của khu rừng đặc dụng Đất Mũi. Phân khu hành chính dịch vụ: 200 ha. Thuộc khu vực ven Rạch Tàu, khu kênh Hai Thiện, khu Rạch Bàu Lớn và khu Rạch Mũi. Vùng đệm của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích 8.194 ha, nằm trên địa bàn các xã: Đất Mũi, Viên An và Đất Mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: sú, vẹt, đước, mắm, tràm.... Động vật khu vực vườn này đa dạng, gồm có: rùa, rắn, trăn, cua, các loại cá nước lợ, ba khía, sóc v.v. Diện tích mặt đất của vườn quốc gia này không ngừng được mở rộng một cách tự nhiên do hàng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng chục mét bằng nguồn phù sa do hệ thống sông, kênh, rạch mang đến.

9. VQG Kon Ka Kinh

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một vườn quốc gia của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi và nâng cấp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khu vực và quốc tế mà trong tương lai nó còn là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 33.565 ha rừng tự nhiên, chiếm 80% tổng diện tích của nó. Vườn quốc gia này hỗ trợ cho một loạt các kiểu môi trường sống miền núi. Cụ thể, ở đây có khoảng 2.000 ha rừng hỗn giao lá kim và lá rộng, chứa chủ yếu là pơ mu (Fokienia hodginsii). Ngoài sự đa dạng và phong phú của hệ động thực vật rừng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông như sông Ba và sông Đắk Pne, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Phía tây của vườn quốc gia là một phần lưu vực của nhà máy thủy điện Yaly.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên cao nguyên Kon Tum, thuộc địa bàn ba huyện Mang Yang, KBang và Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai. Phần trung tâm nằm ở xã Ayun, huyện Mang Yang, phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50 km về hướng đông bắc, phân bố trên diện tích 41.780 ha với tọa độ địa lý từ 14°09′ đến 14°30′ vĩ bắc và từ 108°16′ đến 108°28′ kinh đông. Phía bắc giáp xã Đắk Roong huyện KBang, phía nam giáp xã Hà Ra và một phần xã A Yun, xã Đắk Yă cùng huyện Mang Yang, phía đông giáp các xã Đắk Roong, Kon Pne, Kroong và Lơ Ku huyện KBang, phía tây giáp xã Hà Đông huyện Đắk Đoa.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có tên trong danh sách các khu rừng đặc dụng từ năm 1986 theo Quyết định số 194/CT ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHXHCN Việt Nam, với diện tích 28.000 ha nhằm bảo tồn rừng cận nhiệt đới núi cao với các loài hạt trần. Năm 1999, Viện điều tra quy hoạch rừng Việt Nam (FIPI) kết hợp với Tổ chức Chim quốc tế (BirdLife Intemational) xây dựng Dự án đầu tư thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh. Dự án này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai thẩm định, phê duyệt cùng năm, với diện tích là 41.780 ha. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một trong 4 vườn quốc gia của Việt Nam (cùng Ba Bể, Chư Mom Ray và Hoàng Liên), đồng thời là một trong 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là vườn di sản ASEAN.

10. VQG Tam Đảo

Vườn quốc gia Tam Đảo là một vườn quốc gia của Việt Nam, nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng 10–15 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75 km về phía Bắc.

Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha, trong đó có 26.163 ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích toàn vườn. Ngoài ra, trong Vườn quốc gia Tam Đảo cũng tồn tại một số kiểu rừng khác như rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng lùn trên đỉnh núi, rừng tre nứa, rừng phục hồi sau khai thác, rừng trồng, trảng cây bụi, trảng cỏ.

Vườn quốc gia Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa dài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chùy hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Paris delavayi).

Vườn quốc gia này cũng có 163 loài động vật thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp là: thú (Mammalia); chim (Aves); bò sát (Reptilia); ếch nhái (Amphibia) và côn trùng (Insecta). Vườn có tới 239 loài chim với nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng; có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen, v.v. Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen (Amphiesma angeli); rắn ráo thái dương (Boiga multitempolaris); cá cóc Tam Đảo (Paramerotriton deloustali) và 8 loài côn trùng

Theo VFlist

10 Vườn Quốc Gia Lớn Nhất Việt Nam 10 Vườn Quốc Gia Lớn Nhất Việt Nam Reviewed by Sidol Media on 10:30 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.