banner image
banner image

10 Vườn Quốc Gia Có Diện Tích Nhỏ Nhất Ở Việt Nam

1. VQG Xuân Thuỷ

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía Nam cửa Sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 150 km về hướng Đông Nam, có tổng diện tích tự nhiên là 7.100 ha. Phù sa màu mỡ của Sông Hồng và biển đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm.

Từ tháng 01 năm 1989 Xuân Thủy đã là vùng đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước – Ramsar, Iran, 1971). Đến tháng 01 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định sô 01/2003/QĐ-TTg chính thức nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tháng 12 năm 2004, UNESCO tiếp tục công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng.

2. VQG Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim cực kỳ quý hiếm, có tên trong sách đỏ.

Vườn quốc gia Tràm Chim, có diện tích 7.588 ha, thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đặc biệt là một loài chim hạc còn gọi là sếu đầu đỏ (Grus antigone) hay sếu cổ trụi.

Năm 1994, nơi đây trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim, cấp quốc gia, theo Quyết định số 47/TTg ngày 2 tháng 2 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo thông tư số 4991/KGVX, với diện tích 7.500 ha. Tháng 9 năm 1998, dự án đầu tư của khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim được Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng II Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh sửa theo đó diện tích khu bảo tồn là 7.313 ha. Năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim theo Quyết định số 253/1998/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới. 2016, gần 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên cò ốc làm tổ, đẻ trứng cả đàn có đến ngàn tổ. Chị Nguyễn Thị Nga (Trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật) cho biết, thường thì cò ốc về vườn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Trước năm 2000 thi thoảng mới thấy một con cò ốc bay về. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng cò ốc đã bị tuyệt chủng rồi. Trước tình trạng nguy cấp này, năm 2007 cò ốc được đưa vào Sách đỏ Việt Nam để bảo vệ nghiêm ngặt.

3. VQG Ba Bể

Vườn quốc gia Ba Bể là một vườn quốc gia, rừng đặc dụng, khu du lịch sinh thái của Việt Nam, nằm trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, với trung tâm là hồ Ba Bể. Vườn quốc gia Ba Bể được thành lập theo Quyết định số 83/TTg ngày 10 tháng 11 năm năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ.

Vườn quốc gia này cách thành phố Bắc Kạn 50 km và Hà Nội 250 km về phía bắc, thuộc địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Vườn quốc gia Ba Bể là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với phong cảnh kỳ thú và sự đa dạng sinh học. Năm 2004, Ba Bể đã được công nhận là một di sản thiên nhiên của ASEAN. Trước đó, đây từng là Khu danh lam thắng cảnh và Di tích lịch sử, là Khu rừng cấm hồ Ba Bể. Vườn có diện tích 7.610 ha (76,10 km²), trong đó: khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 3.266,2 ha, khu phục hồi tái sinh rộng 4.083,4 ha, Khu dịch vụ hành chính 301,4 ha.

Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể được thành lập theo quyết định số 83/TTg ngày 10/11/1992 của Chính phủ với diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Những nghiên cứu khoa học khẳng định đây là khu vực giàu có về đa dạng sinh học, có nhiều nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và hồ trên núi, rừng thường xanh đất thấp. Trung tâm của vườn là hồ Ba Bể với chiều dài tới 8 km và chiều rộng 800 m. Nằm trên độ cao 178 m, hồ Ba Bể là "hồ tự nhiên trên núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam". Nằm trên vùng núi đá vôi, vốn có rất nhiều hang động caxtơ….mà hồ vẫn tồn tại với cảnh đẹp mê người là điều diệu kì, hấp dẫn mà thiên nhiên ban tặng.

VQG Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có giá trị được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Các loài cây gỗ quý, hiếm như: Nghiến, Đinh, Lim, Trúc dây…trong đó, Trúc dây là một loài tre đặc hữu của Ba Bể thường mọc tại các vách núi, thân của chúng thả mành mành xuống hồ tạo nên những bức mành xung quanh hồ. Đây là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á. Ở đây có 182 loài lan, một số loài lan là đặc hữu, chỉ phát hiện thấy duy nhất ở vùng này. Khu hệ động vật rất phong phú với 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện. Trong đó có nhiều loài có giá trị, quý hiếm đã được Việt Nam và Quốc tế ghi vào Sách Đỏ.

Về khu hệ cá, hồ Ba Bể và các sông suối phụ cận có đến 106 loài cá được xác định phong phú nhất ở Việt Nam, bởi các hồ khác như hồ Lắc cũng chỉ có 35 loài, hồ Tây - 36 loài, hồ Châu Trúc - 47 loài... VQG Ba Bể còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự có mặt của một số loài đang bị đe dọa trên toàn cầu như Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi) và Cầy vằn bắc (Hemigalus owstoni), mặc dù vậy số lượng Voọc đen má trắng hiện còn tồn tại trong khu vực rất ít.

4. VQG U Minh Thượng

Vườn quốc gia U Minh Thượng là một vườn quốc gia của Việt Nam, được nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng lên thành vườn quốc gia theo Quyết định số 11/2002/QĐ-TTG ngày 14 tháng 1 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Rừng U Minh Thượng nằm trong địa giới của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng bán đảo Cà Mau. Vườn quốc gia U Minh Thượng nằm trong địa giới của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Diện tích là 21.107 ha trong đó: Vùng lõi - 8.038 ha và Vùng đệm 13.069 ha. Vùng đệm của rừng có khá nhiều hộ dân sinh sống, làm ruộng, trồng rẫy, nhận khoán trồng và giữ rừng cho nhà nước.

Ngày nay, vườn quốc gia U Minh Thượng đang được đầu tư, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các nguồn giống, gen sinh học quý hiếm, đồng thời đã và đang thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và truyền thống. Đến U Minh Thượng, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành cùng với không gian khoáng đãng, tha hồ nhìn ngắm chim muông, thú rừng, và các loài động thực vật. Nhiều địa chỉ để các bạn tham quan như mảng chim, mảng dơi quạ, tràm nguyên sinh, quần thể heo rừng, rái cá, kỳ đà, và đặc biệt là khu giải trí câu cá Hồ Hoa Mai.

5. VQG U Minh Hạ

Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Địa giới hành chính nằm trên hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Được thành lập theo quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi. Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng...Đây là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam.

Ngày 26 tháng 5 năm 2009, VQG U Minh Hạ được công nhận là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời.

6. VQG Ba Vì

Vườn quốc gia Ba Vì là một vườn quốc gia ở Việt Nam, được thành lập năm 1991 theo quyết định số 17-CT ngày 16 tháng 01 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam. Vườn quốc gia Ba Vì nằm trên khu vực dãy núi Ba Vì thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) và hai huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình với diện tích 10.814,6 ha, cách Sơn Tây, Hà Nội 15 km và cách trung tâm Hà Nội 50 km về phía tây.

Ba Vì nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ. Vườn quốc gia này nằm trong dãy núi cao chạy dọc theo hướng đông bắc-tây nam với đỉnh Vua cao 1.296 m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m.

Về động vật, có 45 loài thú, 115 loài chim, 61 loài bò sát và 27 loài ếch nhái, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi trắng, khỉ, báo, gấu, sóc bay, v.v. Hiện tại, người ta đã biết trên 1.000 loài thực vật, trong số đó có khoảng 200 loài cây dược liệu, nhiều loài quý như bách xanh, thông, dẻ, lát hoa.

7. VQG Bến En

Vườn quốc gia Bến En là một vườn quốc gia thuộc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 33 ngày 27 tháng 1 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam. Thuộc huyện Như Thanh và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. Tổng diện tích là 14.735 ha, trong đó rừng nguyên sinh là 8.544 ha. Vườn quốc gia Bến En có địa hình nhiều đồi núi, có nhiều sông, suối và hồ Mực trên núi có diện tích 3000 ha có 21 đảo nổi giữa là một trong vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam.

Có nhiều loài sinh vật quý, với 1389 loài thực vật (lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương...), có 1004 loài động vật,66 loài thú (với 29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng...)

8. VQG Côn Đảo

Vườn quốc gia Côn Đảo là một khu vực bảo tồn nằm ở phía bắc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Phạm vi vườn quốc gia này bao gồm cả một phần diện tích đảo và khu vực biển lân cận. Được thành lập theo Quyết định số 135/TTg ngày 31 tháng 3 năm 1993 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Diện tích: Tổng diện tích là 15.043 ha, trong đó: Phần trên đảo là 6.043 ha, phần biển là 9.000 ha

Hệ động thực vật đặc trưng của vườn quốc gia Côn Đảo là các loại sinh vật biển, trong đó đặc sắc nhất là hệ san hô và đặc biệt là loài rùa biển. Năm 2006, một phái đoàn đại diện UNESCO Việt Nam đã đến khu vực vườn quốc gia này khảo sát và đã đánh giá cao tính đa dạng sinh học của hệ tự nhiên ở đây. UNESCO Việt Nam cho rằng, vườn quốc gia này đủ điều kiện để đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lập hồ sơ để sớm trình UNESCO.

Thành phần thực vật Côn Đảo tương đối phong phú và đa dạng với khoảng 882 loài thực vật bậc cao thuộc 562 chi, 161 họ, trong đó có đến 371 loài thân gỗ, 30 loài phong lan, 103 loài dây leo, 202 loài thảo mộc v.v. 44 loài thực vật được các nhà khoa học tìm thấy lần đầu tiên ở đây, 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên loài. Một số loài được xếp vào danh mục quý hiếm như lát hoa (Chukrasia tabularis), găng néo (Manikara hexandra) v.v.

Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp Thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Một số động vật đặc hữu tại Côn Đảo như: sóc mun (Callosciunis finlaysonii), sóc đen (Ratufa bicolor condorensis), chuột hưu Côn Đảo (Rattus niviventer condorensis, Chasen & Kloss, 1926), thạch sùng Côn Đảo (Cyrstodactylus condorensis). Côn Đảo là vườn quốc gia có hệ động vật có xương sống trên cạn mang tính độc đáo của vùng đảo xa đất liến với nhiều loài đặc hữu.

Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó thực vật ngập mặn có đến 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài...37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thuỷ sản, rong biển. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh (Neophon phocaenoides), cá nược (Orcaella brevirostric), cá cúi (Dugon dugong). Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.

9. VQG Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn là một vườn quốc gia nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Với kiểu địa hình núi đá vôi đặc trưng. Được chuyển từ khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn thành vườn quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 49/2002/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2002.

Diện tích vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn là 18.639 ha, bao gồm các xã: Kiệt Sơn, Lai Đồng, Minh Đài và một phần các xã: Đồng Sơn, Tân Sơn, Kim Thượng, Xuân Đài, đều cùng huyện. Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích vùng đệm 18.369 ha, trong đó diện tích vùng lõi là 15.048 ha khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là 11.148 ha, phân khu phục hồi sinh thái kết hợp bảo tồn di tích lịch sử: 3.000 ha phân khu hành chính, dịch vụ: 900 ha. Điểm đặc trưng của Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha). Xuân Sơn được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có 1.179 loài thực vật có mạch thuộc 650 chi và 175 họ; trong đó có 52 loài thuộc ngành Quyết và ngành Hạt trần. Có 91 loài cá, 75 loài bò sát và lưỡng cư, 241 loài chim, 76 loài thú. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao

10. VQG Cát Bà

Vườn quốc gia Cát Bà là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Cát Bà trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý, có trụ sơ chính đóng trên địa bàn huyện Cát Hải, Hải Phòng. VQG Cát Bà thành lập ngày 31/3/1986 theo quyết định số 79-CP của Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam (nay là chính phủ). Gồm các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái trên cạn (HST rừng), hệ sinh thái đất ngập nước với diện tích tự nhiên của vườn là 17.362,96 ha. Trong đó có 10.912,51 ha là rừng núi và 6.450,65 ha là mặt nước biển.

Rừng ở đây có một kiểu chính là kiểu rừng mưa nhiệt đới thường xanh, nhưng do điều kiện địa hình, đất đai và chế độ nước nên ở đây có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Rừng ở đây cũng có nhiều kiểu sinh thái rừng cá biệt như quần hợp Kim giao (tại khu vực gần đỉnh Ngự Lâm); đơn ưu Và nước (khu vực Ao Ếch).

Thành phần thực vật có 1585 loài thực vật rừng, nhiều loại cây gỗ quý như trai lý, lát hoa, lim xẹt, dẻ hoa, kim giao, gõ trắng, chò đãi, trên thế giới chỉ có ở dãy núi Himalaya, thực vật ngập mặn 30 loài, rong biển 102 loài, thực vật phù du 400 loài. Trên khu vực vườn có 343 loài trong đó 58 loài thú, 205 loài chim, 55 loài bò sát, 24 loài ếch nhái. Đặc biệt có loài voọc Cát Bà
là loài đặc hữu hẹp của Cát Bà, hiện tại chỉ còn khoảng 60 cá thể. Động vật phù du 131 loài, cá biển 196 loài, san hô 177 loài.

Theo VFlist
10 Vườn Quốc Gia Có Diện Tích Nhỏ Nhất Ở Việt Nam 10 Vườn Quốc Gia Có Diện Tích Nhỏ Nhất Ở Việt Nam Reviewed by Sidol Media on 2:00 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.