banner image
banner image

10 Nữ Thiên Tài Vĩ Đại Nhất

1. Marie Curie - nhà vật lý và hoá học nổi tiếng

Marie Curie (7 tháng 11 năm 1867 – 4 tháng 7 năm 1934), tên khai sinh của bà là Maria Salomea Skłodowska, sinh tại thủ đô Warszawa của Vương quốc Ba Lan. Bà học tập tại Đại học Floating một cách bí mật và bắt đầu nghiên cứu khoa học tại Warszawa. Sau đó bà đến Paris học tại trường Sorbonne để học tập và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học 

Bà là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp, nổi tiếng vì những cống hiến của mình trong nghiên cứu về phóng xạ. Bà cùng với chồng là nhà khoa học Pierre Curie, đã phát hiện ra các yếu tố Polonium và Radium. Bà đã được trao giải Nobel vật lý năm 1903, cùng với Pierre và Henry Becquerel cho các nghiên cứu về phóng xạ. Năm 1911, bà đã giành giải Nobel hóa học vì khám phá ra 2 nguyên tố hóa học là Polonium và Radium.

Marie Curie cũng là giảng viên đại học nữ đầu tiên tại Đại học Paris (Sorbonne), và vào năm 1995 thi thể của bà được mai táng tại điện Panthéon ở Paris vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.

2. Jane Goodall - nhà nhân chủng học, linh trưởng học

Dame Jane Morris Goodall (tên khai sinh: Valerie Jane Morris-Goodall, sinh 3/4/1934) là nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh và là sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Bà được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về tinh tinh với 45 năm nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và gia đình của tinh tinh hoang dã trong vườn quốc gia Gombe Stream, Tanzania. Những nghiên cứu sâu rộng của bà đã làm sáng tỏ tập tính sinh sống của tinh tinh, khám phá ra chúng là loài ăn tạp và có thể thiết kế và sử dụng công cụ.

Bà là người sáng lập Viện Jane Goodall và chương trình Roots & Shoots, và cô đã làm việc nhiều về các vấn đề bảo tồn và phúc lợi động vật. Bà đã phục vụ nhiều năm trong hội đồng quản trị của Nonhuman Rights kể từ khi thành lập năm 1996. Tiến sĩ Goodall cũng là thành viên danh dự của Hội đồng Tương lai Thế giới (World Future Council)

3. Lise Meitner - nhà vật lý tài năng

Lise Meitner (07/11/1878 - 27/10/1968), là một nhà vật lý người Áo, sau đó thành người Thụy Điển, người đã làm nghiên cứu về phóng xạ và vật lý hạt nhân. Meitner là một thành viên của nhóm phát hiện ra phản ứng phân hạch hạt nhân, một thành tích mà đồng nghiệp của bà là Otto Hahn đã được trao tặng giải Nobel Vật lý. Meitner thường được người ta nhắc đến là một trong những ví dụ rõ ràng nhất của thành tựu khoa học của phụ nữ bị bỏ qua bởi Ủy ban Nobel. 

Năm 1917, bà và Hahn phát hiện ra đồng vị tồn tại lâu dài đầu tiên của nguyên tố protactini, nhờ phát hiện này bà đã được trao Huy chương Leibniz của Viện Hàn lâm Khoa học Berlin. Năm đó, Meitner được giao mảng vật lý học viện hóa học Kaiser Wilhelm. Năm 1922, bà phát hiện ra nguyên nhân, Được biết đến là hiệu ứng Auger, sự bức xạ từ bề mặt của các điện tử với các năng lượng "chữ ký". Hiệu ứng này được đặt tên theo Pierre Victor Auger, một nhà khoa học người Pháp phát hiện ra hiệu ứng này một cách độc lập vào năm 1923. Năm 1926, Meitner trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Đức giữ học hàm giáo sư đầy đủ về vật lý học, tại Đại học Berlin. Năm 1933 Lise Meitner không được dạy học nữa vì là người gốc Do thái. Tuy nhiên bà vẫn có thể tiếp tục chương trình nghiên cứu vật lý hạt nhân tại viện Kaiser-Wilhelm, cuối cùng dẫn đến việc bà cùng Hahn cùng khám phá ra sự phân rã hạt nhân vào năm 1939, sau khi bà đã rời Berlin. Bà đã được Albert Einstein ca ngợi là "Marie Curie Đức

Nguyên tố 109, Meitnerium được đặt tên để vinh danh bà. Lise Meitner đã đóng góp rất lớn vào việc phát hiện ra hiện tượng phân hạch năm 1939 nhưng không bao giờ được nhận Giải Nobel Vật lý. Trong thực tế, chính bà chứ không phải Otto Hahn, người được nhận Giải Nobel Hóa học năm 1944 "vì tạo ra nguyên tố mới nhờ phản ứng phân hạch", đã lần đầu tiên đề cập đến hiện tượng phân hạch đồng vị phóng xạ sau khi phân tích các dữ liệu thí nghiệm và cùng Otto Robert Frisch áp dụng thành công mẫu giọt chất lỏng của Niels Bohr để giải thích hiện tượng này. Nhiều người cho rằng Meitner không được trao giải vì tình trạng trọng nam khinh nữ phổ biến đầu thế kỉ 20 trên Thế giới và ngay trong thành phần ủy ban xét giải, đã dẫn đến những cống hiến của bà bị xem nhẹ và gạt khỏi danh sách trao giải

4. Irene - nhà khoa học tài danh, truyền nhân xuất sắc của Marie Curie

Irene Joliot-Curie (1897-1956) là con gái của Marie Curie và cũng là một nhà khoa học nổi tiếng. Tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ, bà đã tiến hành các nghiên cứu về phóng xạ. Bà đã giành giải Nobel Hóa học năm 1935 cho việc tìm ra chất phóng xạ nhân tạo. Bà cùng với chồng là nhà khoa học Frederic đã biến boron thành nitơ phóng xạ cũng như nhôm thành phosphorus và magiê thành silic.

Năm 1918, sau khi tốt nghiệp trung học, bà gia nhập Viện Nghiên cứu Radium và trở thành phụ tá cho mẹ mình. Chính trong khoảng thời gian này, bà đã gặp Frédéric Joliot, nghiên cứu sinh tại Collège de France. Họ kết hôn năm 1926 và có hai con Hélène Langevin-Joliot sinh 1927 và Pierre Joliot-Curie sinh 1932. Họ làm việc cùng nhau trong các công trình về phóng xạ tự nhiên và nhân tạo, sự biến tố và vật lý hạt nhân. Công trình của họ về sự va chạm của các hạt nơtron vào hạt nhân các nguyên tố nặng chính là một bước quan trọng trong quá trình tìm ra phản ứng phân hạch hạt nhân.

Năm 1935, Frédéric và Irène Joliot-Curie cùng nhau đạt giải Nobel Hóa học. Họ bắt đầu làm việc cho dự án bom nguyên tử của Pháp từ năm 1939 (họ cùng nhau nhận được bằng sáng chế cho công trình này). Dự án bom nguyên tử này của Pháp là dự án tiên tiến nhất về bom nguyên tử trước Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến khi người Mỹ, với dự án Manhattan khổng lồ chiếm mất vị trí này.

Năm 1937, bà trở thành phó tiến sĩ và sau đó là giảng viên tại Phân viện khoa học tại Paris. Năm 1939, bà được nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh. Năm 1946, bà trở thành viện trưởng của học viện Radium, kế tục người tiền nhiệm là André Debierne. Bà tham gia thành lập Viện Năng lượng hạt nhân CEA. Tại đây, bà giữ chức ủy viên trong vòng 6 năm. Bà nhận chức danh giáo sư về vật lý tổng hợp và về các quá trình phóng xạ, từng được giữ trước đó bởi mẹ của bà. Bà nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế của Ủy ban quốc tế về Hòa bình năm 1950. Irène Joliot-Curie qua đời ngày 17 tháng 3 năm 1956 tại Paris vì căn bệnh bạch cầu do ảnh hưởng từ các phản ứng phóng xạ với chất poloni bà đã thực hiện trong quá trình làm việc. Hai năm sau đó, chồng bà mất vì bệnh gan vào tháng 8 năm 1958.

5. Gertrude Elion - nhà dược học tài ba người Mỹ

Gertrude Elion (1918-1999) là một nhà hóa sinh và nhà dược học người Mỹ. Bà đã đoạt giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1988. Bà là một nhà dược học người Mỹ đã phát triển AZT, một loại thuốc kháng retrovirus được sử dụng để điều trị bệnh AIDS. Trong suốt 4 thập kỷ hợp tác lâu dài với Hitchings, bà cũng phát triển các loại thuốc điều trị bệnh sốt rét, bệnh bạch cầu và mụn rộp. Vừa làm việc một mình, vừa làm chung với George H. Hitchings, Elion đã tạo ra khá nhiều dược phẩm mới, sử dụng các phương pháp nghiên cứu theo kỹ thuật mới, phương pháp mà sau này dẫn tới việc tạo ra thuốc AZT để trị bệnh AIDS. Thay vì dựa trên phương pháp "trial-and-error", Elion và Hitchings đã sử dụng những khác biệt trong ngành hóa sinh giữa các tế bào của người thường với "gien gây bệnh" (pathogen) để thiết kế chế tạo các loại thuốc có thể giết hoặc ngăn chặn việc tái sinh của các gien gây bệnh đặc biệt, mà không gây hại tới các tế bào của người bệnh

Năm 1988, Elion được thưởng giải Nobel Y học, chung với Hitchings và Sir James Black. Ngoài ra, bà cũng được thưởng Huy chương Khoa học quốc gia (National Medal of Science) (1991) và Giải Lemelson-MIT Lifetime Achievement (1997). Năm 1991 bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được đưa vào National Inventors Hall of Fame.

6. Rosalind Franklin - nhà sinh lý học và tinh thể học tài ba

Rosalind Elsie Franklin (sinh ngày 25/07/1920 - 16/04/1958) là một nhà lý sinh học và tinh thể học tia X có những đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về cấu trúc phân tử của ADN, ARN, virus, than đá, và than chì. Nghiên cứu về DNA của bà đã đạt được những thành tựu to lớn vì ADN đóng vai trò quan trọng trong chu trình chuyển hóa của tế bào và trong di truyền học, việc khám phá ra cấu trúc của nó đã giúp bà và đồng nghiệp hiểu rõ được cách thông tin di truyền được truyền lại từ cha mẹ cho con cái.

Franklin được biết đến nhiều nhất qua công trình Photo 51 dẫn đến sự khám phá ra cấu trúc ADN. Theo Francis Crick, các dữ liệu từ bà chính là "dữ liệu mà chúng tôi thực sự sử dụng" để hệ thống nên lý thuyết về cấu trúc ADN năm 1953. Những hình ảnh nhiễu xạ tia X của bà xác nhận cấu tạo hình xoắn ốc đã bị mang cho Watson xem mà không có sự đồng ý hay báo cho bà biết. Các khám phá của bà cung cấp hiểu biết có giá trị về cấu tạo ADN, tuy nhiên những đóng góp khoa học của bà đối với việc khám phá ra cấu trúc xoắn kép thường không được chú ý tới.

Sau khi hoàn thành công việc nghiên cứu về DNA, Franklin đi tiên phong nghiên cứu về virus gây bệnh khảm trên cây thuốc lá và virus gây bệnh bại liệt. Bà qua đời năm 1958 ở tuổi 37 do căn bệnh ung thư buồng trứng.

7. Maria Goeppert-Mayer - nhà vật lý nữ thứ hai đoạt giải Nobel

Maria Goeppert-Mayer (1906 - 1972) là nhà vật lý người Mỹ gốc Đức. Mayer được biết đến vì đã gợi ý mô hình vỏ hạt nhân của hạt nhân nguyên tử. Tốt nghiệp Đại học Gottech, Goeppert Mayer đã viết luận án tiến sĩ về lý thuyết hấp thụ hai photon có thể của các nguyên tử. Vào thời điểm đó, cơ hội kiểm chứng bằng thực nghiệm luận án của cô có vẻ xa vời, nhưng sự phát triển của laser cho phép điều này. Ngày nay, đơn vị cho mặt cắt hấp thụ hai photon được đặt tên là đơn vị Goeppert Mayer (GM).

Maria Goeppert kết hôn với Joseph Edward Mayer và chuyển đến Hoa Kỳ, nơi ông là phó giáo sư tại Đại học Johns Hopkins. Các quy tắc nghiêm ngặt chống lại chủ nghĩa gia đình đã ngăn cản Đại học Johns Hopkins đưa cô vào làm giảng viên, nhưng cô được giao làm trợ lý và xuất bản một bài báo về sự phân rã beta kép vào năm 1935. Năm 1937, cô chuyển đến Đại học Columbia, nơi cô nhận một vị trí không được trả lương. Bà cũng làm việc cho dự án Manhattan trong Thế chiến thứ hai.

Bà đoạt Giải Nobel Vật lý vào năm 1963 cùng với J. Hans D. Jensen nhờ việc đề ra lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp. Đoạt Giải Nobel Vật lý năm đó còn có Eugene Wigner. Bà cùng với Marie Curie và Donna Strickland trở thành ba người phụ nữ duy nhất giành Giải Nobel ở lĩnh vực này

8. Barbara McClintock - nhà khoa học di truyền có sức ảnh hưởng lớn nhất sau Meldel

Barbara McClintock (16/06/1902 – 02/09/1992) là một nhà khoa học và di truyền học tế bào người Mỹ được trao Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1983. McClintock nhận bằng tiến sĩ thực vật học từ Đại học Cornell vào năm 1927. Tại đây bà bắt đầu sự nghiệp của mình và trở thành người tiên phong nghiên cứu di truyền học tế bào của ngô (Zea mays L.), và đó cũng là mục tiêu nghiên cứu chính trong toàn bộ sự nghiệp của bà. Từ khoảng những năm 1930, McClintock nghiên cứu nhiễm sắc thể của ngô và sự thay đổi của chúng trong quá trình sinh sản. Bà đã phát triển kỹ thuật để dễ hình dung hơn về nhiễm sắc thể của ngô và kĩ thuật phân tích tế bào học (chủ yếu là qua kính hiển vi quang học) để chứng minh các ý tưởng của mình về di truyền ở cây ngô. Một trong những ý tưởng đó là nghiên cứu tái tổ hợp di truyền do trao đổi chéo nhiễm sắc thể trong giảm phân - một cơ chế của các nhiễm sắc thể tương đồng trao đổi thông tin di truyền. Bà là người đầu tiên đã lập ra bản đồ di truyền của ngô, trong đó có chỉ rõ các vùng nhiễm sắc thể liên hệ với các tính trạng cụ thể. Bà đã làm sáng tỏ vai trò của telomere và centromere, các vùng của nhiễm sắc thể quan trọng trong việc bảo tồn thông tin di truyền. Bà được công nhận là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, được trao các quỹ hỗ trợ nghiên cứu danh giá, và được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ năm 1944.

Trong hai thập niên 1940 và 1950, McClintock phát hiện sự chuyển vị (transposition) của các gen và vai trò "bật" và "tắt" của một số gen quy định tính trạng cụ thể. Bà đã phát triển các lý thuyết để giải thích sự ức chế và biểu hiện thông tin di truyền từ một thế hệ này sang thế hệ kế tiếp ở ngô. Công trình được công bố đầu tiên của bà về vấn đề này là từ năm 1948, nhưng không ai tin vì trái ngược hẳn với các quy luật Mendel và học thuyết di truyền nhiễm sắc thể đang "thống trị" đương thời. Sau đó ít lâu, bà cho đăng công trình nữa trên tờ báo khoa học "PNAS Classic Article-1950" với nhan đề “The origin and behavior of mutable loci in maize” (Nguồn gốc và hoạt động của các lô-cut có thể biến đổi ở cây ngô”, nhưng vẫn không ai tin. Do sự hoài nghi về nghiên cứu của bà và những tác động của nó, bà đã ngừng công bố dữ liệu của mình vào năm 1953.

Sau đó, bà đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về di truyền học tế bào (cytogenetics) và thực vật dân tộc học (ethnobotany) của các giống ngô từ Nam Mỹ. Nghiên cứu theo hướng này của McClintock đã được hiểu rõ trong những năm 1960 và 1970, khi các nhà khoa học khác xác nhận cơ chế thay đổi di truyền và điều hoà gen mà bà đã chứng minh trong nghiên cứu ngô của mình vào thập niên 1940 và 1950, nên giải thưởng Huân chương Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ) năm 1970 mới trao cho bà; và hơn 10 năm tiếp theo nữa (năm 1983) bà mới được nhận giải Nobel về Sinh lý học và Y khoa, lúc đó đã ở tuổi 80. Phát hiện gen nhảy của bà đã đi trước thời đại hơn 30 năm, nên cho tới nay bà là người phụ nữ duy nhất nhận giải Nobel Y học mà không phải chia sẻ cùng người khác

9. Dorothy Crowfoot Hodgkin - nhà hoá học tài danh của nước Anh

Dorothy Crowfoot Hodgkin (1910-1994) là nhà hóa học nữ người Anh. Bà giành Giải Nobel Hóa học năm 1964 nhờ công trình xác định công thức cấu tạo của các chất hoạt động sinh học bằng kỹ thuật Tinh thể học Tia X. Kỹ thuật này có thể tìm và xác nhận cấu trúc của các phân tử sinh học khác nhau. Chúng bao gồm penicillin, insulin và vitamin B12. Bà là một trong rất ít những người phụ nữ giành giải thưởng này. Chính xác là bà là một trong bốn nhà hóa học nữ giành giải thưởng và là một trong hai nhà hóa học nữ giành giải độc lập.

Năm 1969, sau 35 năm nghiên cứu, cuối cùng bà cũng tìm ra cấu trúc phân tử insulin. Tinh thể học tia X được sử dụng rộng rãi sau đó để tìm hiểu, khám phá cấu trúc của phân tử sinh học phức tạp, vì hiểu biết về cấu trúc là tối quan trọng trong tìm hiểu về chức năng. Bà được cho là một trong những nhà khoa học tiên phong trong sử dụng kĩ thuật tinh thể học này.

10. Ada Lovelace - nhà lập trình đầu tiên của thế giới

Ada Lovelace (tên đầy đủ: Augusta Ada King, nữ Bá tước Lovelace; tên trước khi kết hôn: Augusta Ada Byron; 10/12/1815 – 27/11/1852), nhà toán học người Anh, bà được coi là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới.

Sau khi Charles Babbage phát minh ra cái máy tính cơ khí của ông, The Analytical Engine, nhà toán học người Ý Luigi Menabrea đã viết một quyển sách về chiếc máy này. Trong thời gian 9 tháng, giữa 1842 và 1843, Ada (dưới tên Ada Byron) đã giúp Babbage dịch cuốn sách đó. Trong bản dịch, không những cho thêm ý kiến của mình, bà còn phụ chú một chương nói về cách tính chuỗi số Bernoulli bằng cách dùng máy tính của Babbage. Bản phụ chú này được xem như là chương trình máy tính đầu tiên trong lịch sử.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1980, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phê chuẩn hướng dẫn sử dụng cho một ngôn ngữ lập trình mới mang tên bà. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng chọn mã MIL-STD-1815 cho ngôn ngữ Ada vì nó bao gồm năm sinh của Ada Lovelace. Hình ảnh của bà có trên các nhãn hiệu hologram của Microsoft. Từ 1998, the Đoàn thể Máy tính Anh đã tặng thưởng một huy chương có tên của bà và trong năm 2008 đã khởi xướng một cuộc thi hằng niên dành cho các nữ sinh ngành khoa học máy tính mang tên bà.

Theo Top10VF
10 Nữ Thiên Tài Vĩ Đại Nhất 10 Nữ Thiên Tài Vĩ Đại Nhất Reviewed by Sidol Media on 11:00 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.