banner image
banner image

10 Ngọn Núi Linh Thiêng Của Đạo Giáo

1. Võ Đang sơn

Núi Võ Đang còn được gọi là Thái Hòa sơn, Huyền Nhạc sơn, nằm ở phía nam thành phố Thập Yển, tây bắc của tỉnh Hồ Bắc. Phía bắc thông với núi Tần Lĩnh, phía nam tiếp giáp với ngọn Ba Sơn. Võ Đang sơn là dãy núi cao sừng sững và nhấp nhô, kéo dài hàng trăm km. Võ Đang sơn từ xưa đến nay được xưng là “Thiên hạ danh sơn”, cũng là thắng địa Đạo giáo nổi danh của Trung Hoa.

Trên núi có rất nhiều đại điện nổi tiếng như Tịnh Nhạc cung, Cổ Đồng cung, Huyền Thiên Ngọc Hư cung, Tử Tiêu cung, Kim Điện cung, v.v. Hầu hết tất cả các đại điện và những tòa nhà cổ ở đây đều được bảo tồn khá nguyên vẹn. Tương truyền rằng, vào thời thượng cổ, Chân Vũ Đế đã đắc Đạo phi thăng tại đây. Từ xưa đến nay, Võ Đang sơn là nơi lý tưởng để các Đạo gia theo đuổi tiên cảnh. Các triều đại trong lịch sử đều có người đến Võ Đang sơn lấy cỏ kết thành am, dốc lòng tu luyện.

2. Thanh Thành sơn

Núi Thanh Thành nằm cách thành phố Đô Giang, tỉnh Tứ Xuyên khoảng 15 km về phía Tây Nam. Thanh Thành sơn là ngọn núi nổi tiếng và là một trong những cái nôi của Đạo giáo Trung Hoa. Ngọn núi này được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Núi được bao quanh bởi nhiều đỉnh và có hình dạng giống như một thành phố, được mệnh danh là “núi yên bình nhất và hẻo lánh dưới trời”.

Nơi cao nhất của Thanh Thành sơn là khoảng 1260m so với mặt nước biển. Ở đây được bao phủ bởi một màu xanh biếc của cây rừng. Ngày nay ở núi Thanh Thành, các kiến trúc vẫn được bảo tồn hoàn hảo, bao gồm Lão Quân các, Kiến Phúc cung, Thượng Thanh cung, Tổ Sư điện, Triêu Dương động… Các ngôi đền ở núi Thanh Thành đều gắn kết chặt chẽ với nền tảng của Đạo giáo. Trương Đạo Lăng sau khi thành lập học thuyết của Đạo giáo ở núi Thanh Thành cũng đã tu hành thành tiên nhân tại đây.

3. Hoa sơn

Hoa Sơn là một ngọn núi thuộc đoạn đông dãy Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An khoảng 100 km về phía đông. Hoa Sơn là một trong “Ngũ nhạc” của Trung Hoa. (Ngũ nhạc bao gồm: Đông nhạc Thái Sơn, Tây nhạc Hoa Sơn, Nam nhạc Hành Sơn, Bắc nhạc Hằng Sơn và Trung nhạc Tung Sơn).

Từ xưa đến nay, Hoa Sơn còn được mệnh danh là “Kỳ hiểm thiên hạ đệ nhất sơn” (Ngọn núi kỳ bí và hiểm trở nhất thiên hạ). Hoa Sơn cũng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Chữ “Hoa” trong “Trung Hoa” là có nguồn gốc từ “Hoa Sơn”. Bởi vậy, Hoa Sơn còn được xưng là cái gốc của Hoa Hạ.

Hoa Sơn bao gồm hơn 20 đạo quán, và khoảng 70 động. Phía tây của Hoa Sơn là vách đá dựng đứng, phía đông là nơi mặt trời mọc, phía nam là những cây tùng hiếm thấy, phía bắc được bao phủ bởi mây mù, cảnh quan ở đây dù hiểm trở nhưng có vẻ đẹp không sao tả xiết. Hoa Sơn là thánh địa của Toàn Chân giáo – một phái lớn và quan trọng nhất của Đạo giáo. Đồng thời nơi đây cũng là chốn quy tụ những người có tín ngưỡng khắp Trung Hoa.

4. Long Hổ sơn

Long Hổ sơn nằm ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nó nổi tiếng là một trong những cái nôi của Đạo giáo, với nhiều ngôi chùa được xây dựng trên các sườn núi. Long Hổ sơn được công nhận là di sản văn hóa tự nhiên của quốc gia và là di sản tự nhiên của Thế giới.

Tương truyền rằng vào thời Đông Hán, Trương Đạo Lăng từng ở đây luyện đan. Ngay sau khi Trương Đạo Lăng luyện thành công thần đan, trên không trung xuất hiện một con rồng xanh và một con hổ trắng canh gác, bảo hộ ông. Bởi vậy mà có truyền thuyết “Đan thành nhi long hổ hiện”. Người đời sau cũng vì thế mà đổi tên núi Vân Cẩm này thành núi Long Hổ.

5. Chung Nam sơn

Chung Nam Sơn là một nhánh của dãy núi Tần Lĩnh nằm ở tỉnh Thiểm Tây, phía nam của thành phố Tây An. Những ai từng xem qua tiểu thuyết võ hiệp của tác giả Kim Dung chắc hẳn đều biết đến tên tuổi của ngọn núi này. Chung Nam Sơn là một trong những thánh địa mà Đạo giáo phát triển mạnh mẽ. Chung Nam sơn còn được mệnh danh là “Cửa của động trời”, “Nơi ở của Thần Tiên” hay “Cõi phúc đệ nhất trong thiên hạ”.

Nơi đây nổi tiếng với Lâu Quan đài. Tương truyền rằng, đạo sĩ hiền triết Lão Tử đã cư ngụ ở đây và truyền đạt Đạo Đức kinh. Thời Trung Hoa cổ đại, Chung Nam Sơn là nơi các sĩ phu xuất thế ở ẩn để “theo đuổi con đường rèn luyện đạo đức bản thân”. Ngày nay, Chung Nam Sơn vẫn là nơi còn một số người ở ẩn tu luyện bí mật.

6. Lão Quân sơn

Lão Quân sơn vốn có tên là Cảnh Thất sơn, nhưng tương truyền rằng Thái Thượng Lão Quân từng ở đây tu luyện nên vào thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông đã cải tên thành Lão Quân sơn. Núi Lão Quân nằm ở thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam, là ngọn núi nổi tiếng với phong cảnh đẹp tuyệt vời, cao 2.217m so với mặt nước biển.

Trên Lão Quân sơn có miếu Lão Quân, Lâm Thố điện, Linh Quan điện và một số ngôi chùa khác, đều được xây dựng theo phong cách cổ xưa. Cho đến nay, Lão Quân sơn vẫn là thánh địa được những người tín Đạo giáo đến bái yết, chiêm ngưỡng.

7. Hạc Minh sơn

Hạc Minh sơn nằm ở Đại Ấp, Thành Đô, Tứ Xuyên, cũng được công nhận là cái nôi của Đạo giáo, được xưng là “Đạo giáo tổ đình”. Trương Đạo Lăng đã ở Hạc Minh sơn chính thức sáng lập đạo Chính Nhất Minh Uy, hay còn được gọi là Ngũ Đấu Mễ đạo, Thiên Sư đạo. Sở dĩ ngọn núi này có tên là Hạc Minh bởi nó có hình dáng giống hình dáng một con hạc. Trên Hạc Minh có nhiều cảnh đẹp như điện Thiên Sư, Nghênh Tiên các, Duyên Tường quán, Tam Thánh cung, Thượng Thanh cung …

8. Tề Vân sơn

Tề Vân sơn nằm ở huyện Hưu Ninh, Hoàng Sơn, tỉnh An Huy. Thời cổ, Tề Vân sơn được xưng là Bạch Nhạc, là nơi có cảnh đẹp nổi tiếng với những vách núi đá cheo leo, sương khói mịt mù. Đây từng là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng của Đạo giáo ở Trung Quốc, đồng thời lưu lại những bản khắc chữ trên đá, có giá trị rất lớn về thư pháp.

Tề Vân sơn bao gồm 36 đỉnh và 72 sườn núi, nhiều động, khe suối, hồ nước, suối nước màu xanh. Tất cả chúng hợp lại tạo nên một kỳ quan hiếm có. Tề Vân sơn là trung tâm Đạo giáo Giang Nam, đến nay đã có hơn 1200 năm lịch sử.

9. Không Động sơn

Không Động sơn nằm ở Bình Lương, tỉnh Cam Túc. Đây là một ngọn núi hùng vĩ, sừng sững giống như một bức điêu khắc tinh xảo. Nơi đây được bao phủ bởi rừng cây và mây vờn, lúc ẩn lúc hiện như tiên cảnh.

Tương truyền rằng, thủy tổ Hiên Viên Hoàng Đế từng đích thân tới đây. Cho nên, về sau Không Động sơn trở thành thắng địa để người dân tế phụng Hoàng Đế. Không Động sơn bao gồm 8 đài, 9 cung, 12 viện, 42 đàn vừa khí thế vừa uy nghi và tuyệt đẹp.

10. Tam Thanh sơn

Núi Tam Thanh nằm ở chỗ giao giới giữa thị xã Đức Hưng và huyện Ngọc Sơn của thị xã Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Tam Thanh sơn được công nhận là di sản thế giới. Đây là một nơi thờ cúng quan trọng của Đạo giáo, Trung Quốc. Sở dĩ ngọn núi có cái tên “Tam Thanh” là bởi vì ba đỉnh Ngọc Kinh, Ngọc Hư, Ngọc Hoa của ngọn núi tựa như “Tam Thanh” của Đạo giáo là Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn,  Thái Thanh Thái Thượng Lão Quân và Thượng Thanh Linh Bảo Đại pháp sư.

Kiến trúc cổ ở Tam Thanh sơn được xây dựng theo bố cục Bát Quái, được xưng là nhà bảo tàng ngoài trời về kiến trung Đạo giáo thời Trung Hoa cổ đại. Phong cảnh tự nhiên của Tam Thanh sơn độc đáo và riêng biệt, thể hiện nhiều nhất là các cột đá hoa cương và những đỉnh núi nhọn tự nhiên. Nơi đây được xưng là một trong năm ngọn núi đẹp nhất Trung Hoa gắn liền lịch sử Đạo giáo.

Theo Top10VF
10 Ngọn Núi Linh Thiêng Của Đạo Giáo 10 Ngọn Núi Linh Thiêng Của Đạo Giáo Reviewed by Sidol Media on 1:30 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.