Vịnh Bengal (tiếng Bengal: বঙ্গোপসাগর, tiếng Hindi: बंगाल की खाड़ी) là một trong những vịnh lớn nhất thế giới, nằm ở Nam Á, phía đông bắc Ấn Độ Dương. Vịnh Bengal trông tương tự như một tam giác, có ranh giới là Ấn Độ và Sri Lanka ở phía tây, Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ ở phía bắc (từ đây mà có tên gọi vịnh Bengal), Myanma cùng phần phía nam của Thái Lan và quần đảo Andaman và Nicobar ở phía đông. Ranh giới phía nam của nó được coi là đường tưởng tượng nối từ mũi Dondra ở điểm cực nam Sri Lanka với điểm cực bắc của đảo Sumatra.
Với tổng diện tích 2,172 triệu km², độ sâu trung bình 2.586-2.600 m, nhiệt độ nước 25-27 °C. Sông Hằng và sông Brahmaputra là hai con sông lớn đổ vào phía bắc vịnh tạo thành những cửa sông rộng. Trong vịnh có quần đảo Andaman và Nicobar. Hải cảng quan trọng là Chennai của Ấn Độ và Chittagong của Bangladesh. Sứ thần Việt Nam Phạm Phú Thứ vào thế kỷ 19 khi đi ngang qua vùng biển Ấn Độ ghi lại địa danh Vịnh Bengal là Vịnh Minh Ca Lê
9. Biển Bering
Biển Bering hay biển Imarpik là một khu vực nước biển ở phần phía bắc nhất của Thái Bình Dương bao phủ diện tích khoảng 2 triệu km². Nó có ranh giới về phía bắc và phía đông với Alaska, về phía tây với Siberi của Nga, và về phía nam với bán đảo Alaska và quần đảo Aleut. Biển này được đặt tên theo tên của nhà thám hiểm người Nga gốc Đan Mạch, nhà hàng hải Vitus Bering.
Biển Bering là một trong những ngư trường chính của thế giới, và nghề cá ở các vùng nước này chiếm khoảng một nửa toàn bộ sản lượng đánh bắt cá và tôm cua ven đất liền của Mỹ. Do các thay đổi đang diễn ra ở Bắc Băng Dương, sự biến đổi trong tương lai của khí hậu/hệ sinh thái của biển Bering ngày càng không chắc chắn. Đây là vấn đề có tính tương hỗ: thay đổi về khí hậu ảnh hưởng tới các hệ sinh thái, và các hệ sinh thái lại như là chỉ thị cho các thay đổi của khí hậu.
8. Biển Tasman
Biển Tasman là vùng biển rộng giữa Úc và New Zealand, khoảng 2.000 km (1.250 dặm). Đây là một đoạn tây nam của khu Nam Thái Bình Dương. Biển này được đặt theo tên nhà thám hiểm Hà Lan Abel Janszoon Tasman, người châu Âu đầu tiên đã tới New Zealand và Tasmania. Sau đó thuyền trưởng James Cook, nhà thám hiểm người Anh đã lái tàu đi khắp biển Tasman trong thập niên 1770 trong lần du hành thám hiểm đầu tiên của ông ta.
Biển Tasman được Tổ chức Thủy văn quốc tế (International Hydrographic Organization) cho là gồm cả vùng nước ở phía đông của các bang New South Wales, Victoria và Tasmania. Bang Queensland ở phía bắc gần Biển San hô, cùng ranh giới giữa bang New South Wales và bang Queensland cũng được dùng làm ranh giới giữa 2 biển nói trên. Biển Tasman Sea có một sống đại dương (mid-ocean ridge = dãy núi dưới lòng biển) từ khoảng 85-55 triệu năm trước, khi (lục địa) Úc và Zealandia (tức New Zealand) tách riêng ra trong đợt nứt vỡ siêu lục địa Gondwana.
7. Địa Trung Hải
Địa Trung Hải là một phần của Đại Tây Dương được vây quanh bởi đất liền – phía bắc bởi châu Âu, phía nam bởi châu Phi và phía đông bởi châu Á. Địa Trung Hải có diện tích 2.509.000 km² (969.000 dặm vuông Anh) tới 2.510.000 km² (970.000 dặm vuông Anh). Chiều dài đông-tây là 4.000 km và chiều rộng trung bình là 800 km, nhưng tại chỗ thông với Đại Tây Dương (eo biển Gibraltar) chỉ rộng 13 km (8 dặm Anh) và bề rộng tối đa đạt 1.600 km. Nhìn chung biển này nông, với độ sâu trung bình khoảng 1.500 m, độ sâu tối đa khoảng 4.900 m tới 5.150 m, tại khu vực phía nam bờ biển Hy Lạp.
Một sóng ngầm đại dương từ Tunisia tới Sicilia chia Địa Trung Hải ra thành hai bồn địa đông và tây. Một sóng ngầm đáy biển khác, từ Tây Ban Nha tới Maroc, nằm tại lối thoát ra của Đại Tây Dương. Chỉ sâu 300 m (1.000 ft), nó hạn chế sự luân chuyển nước thông qua vịnh Gibraltar khá hẹp, vì thế nó làm giảm đáng kể khoảng lên-xuống của thủy triều tại biển này và cùng với tốc độ bốc hơi cao, làm cho Địa Trung Hải có độ mặn cao hơn của Đại Tây Dương.
Địa Trung Hải cũng là vùng nước được bao bọc bởi đất liền xung quanh lớn nhất thế giới (có diện tích ~ 2.5 triệu km2).Một phần do khí hậu Nam Âu ấm áp nên lượng nước bốc hơi từ biển Địa Trung Hải luôn nhiều hơn lượng nước được bù lại bởi các con sông đổ vào nó. Điều này dẫn tới việc luôn có nước từ Đại Tây Dương đổ vào Địa Trung Hải qua eo biển Gibraltar và nồng độ muối ở Địa Trung Hải cao hơn nồng độ muối ở Đại Tây Dương. Điểm sâu nhất của Địa Trung Hải nằm ở bên phía Đông với độ sâu khoảng 5200m. Nói Địa Trung Hải không có thủy triều thì không chính xác nhưng thủy triều ở Địa Trung Hải rất thấp, nhiều nơi chỉ chênh lệch vài cm. Các hải cảng quan trọng nằm bên Địa Trung Hải gồm: Barcelona, Marseille, Genova, Trieste, Haifa. Các sông chính đổ vào Địa Trung Hải có Ebro, Rhone, Po và Nin.
6. Biển Caribê
Biển Caribe (Phiên âm: Ca-ri-bê) là một vùng biển nhiệt đới ở Tây Bán cầu thuộc Đại Tây Dương. Đây là một vùng biển bao bọc bởi một chuỗi hải đảo cùng hai lục địa, Bắc và Nam Mỹ. Bờ biển phía nam giáp Nam Mỹ, phía tây và tây-nam giáp México và Trung Mỹ. phía bắc và đông là chuỗi đảo Antilles, gồm Đại Antilles và Tiểu Antilles. Toàn khu vực quanh biển Caribe còn gọi là Vùng Caribe. Biển Caribe là một trong những vùng biển lớn trên thế giới với diện tích 2.754.000 km². Điểm sâu nhất là vực Cayman giữa Cuba và Jamaica ở 7.686 m dưới mặt biển. Biển Caribe có nhiều vũng nhỏ cùng vịnh lớn như Vũng Gonâve, Vũng Venezuela, Vũng Darien, Vịnh Mosquitos và Vịnh Honduras.
Biển Caribe đúng ra là một vùng biển đại dương nằm trên mảng địa tầng Caribe. Vùng biển được chia thành năm lòng chảo. Hai ngõ thông chính với Đại Tây Dương là eo biển Anegada và eo biển Windward (nghĩa là "ngược gió"). Eo biển Anegada nằm giữa nhóm đảo Virgin và Tiểu Antilles còn eo biển Windward ngăn cách Cuba và Haiti. Vịnh México thông với biển Caribe bằng Eo biển Yucatan. Nói chung thì biển Caribe tương đối nông, riêng vực Cayman với độ sâu đo được 7.686 m là điểm sâu nhất.
Rãnh biển Hispaniola và Rãnh biển Puerto Rico là hai rãnh biển lớn gần vùng biển Caribe. Địa trạng này là nguyên do gây nên động đất và sóng thần trong khu vực. Khoa học ước đoán khu vực này đã từng chứng kiến hàng chục địa chấn trên 7,5 độ Richter trong thời kỳ 500 năm qua. Gần đây nhất là trận động đất ngày 12 Tháng Giêng, 2010 với cường độ 7,0 Richter đã gây thiệt hại nặng nề ở Haiti. Khoảng 230.000 người thiệt mạng và 1.000.000 người lâm cảnh không nhà. Trung tâm địa chấn chỉ cách thủ đô Haiti, Port-au-Prince 10 cây số về hướng tây nam. Khu vực này vào năm 1946 một trận động đất lớn hơn ở mức 8 độ Richter còn gây ra cơn sóng thần tàn phá đảo Hispaniola khiến 20.000 người mất nhà cửa.
5. Biển Weddell
Biển Weddell là một phần của Nam Đại Dương và chứa Gyre Weddell. Ranh giới đất của nó được định nghĩa bởi vịnh được hình thành từ các bờ biển của Coats Land và bán đảo Nam Cực. Điểm cực đông là Mũi Norvegia tại Princess Martha Coast, Queen Maud Land. Phía đông Mũi Norvegia là Biển King Haakon VII. Phần lớn phần phía nam của biển được bao phủ bởi một vùng thềm băng rộng vĩnh cửu, thềm băng Filchner-Ronne. Biển này nằm trong hai tuyên bố chủ quyền lãnh thổ Nam cực chồng chéo nhau của Argentina (Nam Cực thuộc Argentina) và Anh (Lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh) và cũng nằm trong yêu sách lãnh thổ của Chile (lãnh thổ Chilê Nam Cực). Ở độ rộng biển rộng khoảng 2.000 km (1.200 dặm), và diện tích của nó khoảng 2,8 triệu cây số vuông.
Các thềm băng khác nhau, bao gồm thềm băng Filchner-Ronne, bao bọc biển Weddell. Một số thềm băng ở phía đông của bán đảo Nam Cực, trước đây được bao phủ bởi biển Weddell, đã biến mất hoàn toàn vào năm 2002. Trong khi một sự kiện kịch tính, diện tích đã biến mất nhỏ hơn rất nhiều so với tổng diện tích thềm băng còn lại. Biển Weddell đã được các nhà khoa học cho là có nước trong nhất trên biển.
4. Biển Đông
Biển Đông là tên gọi riêng của Việt Nam để nói đến vùng biển có tên quốc tế là South China Sea (tiếng Anh) hay Mer de Chine méridionale (tiếng Pháp), là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km². Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập. Vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa nhiều quốc gia trong vùng.
Biển nằm trên một thềm lục địa ngầm; trong những kỷ băng hà gần đây nước biển đã hạ thấp xuống hàng trăm mét, và Borneo từng là một phần của lục địa châu Á. Các nước và lãnh thổ có biên giới với vùng biển này (theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc) gồm: đại lục Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, và Việt Nam. Nhiều con sông lớn chảy vào Biển Đông gồm các sông Châu Giang, Mân Giang, sông Cửu Long (Phúc Kiến), sông Hồng, sông Mê Kông, sông Rajang, sông Pahang, và sông Pasig.
3. Biển Ả Rập
Biển Ả Rập (tiếng Ả Rập: بحر العرب; chuyển tự: Baḥr al-'Arab; chữ Phạn: सिन्धु सागर; chuyển tự: Sindhu Sagar) là một vùng biển của Ấn Độ Dương có biên giới phía đông là Ấn Độ phía bắc giáp Pakistan và Iran, phía tây là bán đảo Ả Rập, phía nam ước lượng là đường giữa mũi Cape Guardafui- điểm đông bắc của Somalia- nhóm đảo Socotra, thành phố Kanyakumari ở Ấn Độ, và bờ biển tây của Sri Lanka.
Diện tích Biển Ả Rập rộng khoảng 3.862.000 km2. Chiều rộng tối đa là khoảng 2.400 km, và chiều sâu tối đa là 4.652 m, ở Vũng Ả Rập khoảng cùng vĩ độ như mỏm cực nam của Ấn Độ. Sông Indus - sông lớn nhất ở Pakistan, cũng gọi là sông Sindhu - là sông lớn nhất chảy trực tiếp vào biển này, cùng với các sông Netravathi, Sharavathi, Narmada, Tapti, Mahi và nhiều sông ở bang Kerala của Ấn Độ. Bờ biển Ả Rập ở vùng Trung Ấn được gọi là Bờ biển Konkan, còn bờ ở vùng Nam Ấn gọi là Bờ biển Malabar.
Biển Ả Rập có hai nhánh quan trọng: Vịnh Aden ở tây nam, nối với Biển Đỏ thông qua eo biển Bab-el-Mandeb, và Vịnh Oman ở tây bắc, nối với Vịnh Ba Tư. Ngoài các nhánh lớn trên, còn có các Vịnh Cambay và Vịnh Kutch trên bờ Ấn Độ. Biển Ả Rập có ít đảo, nhóm đảo chính là nhóm đảo Socotra, ngoài bờ châu Phi, và nhóm đảo Lakshadweep, ngoài bờ Ấn Độ. Các nước nằm trên đường bờ biển Ả Rập là Ấn Độ, Yemen, Oman, Iran, Pakistan, Sri Lanka, Maldives và Somalia.
2. Biển San Hô
Biển San Hô là một biển ven lục địa ở ngoài bờ đông bắc Úc. Ranh giới về phía tây của biển này là bờ phía đông của bang Queensland, do đó biển này gồm cả Rạn san hô Great Barrier, ranh giới phía đông là Vanuatu (trước kia tên là New Hebrides) và Nouvelle-Calédonie, ranh giới phía bắc ở khoảng cực nam của Quần đảo Solomon, phía nam của biển này là Biển Tasman.
Trong khi Rạn san hô Great Barrier cùng với các đảo của nó thuộc về bang Queensland, thì phần lớn các vỉa san hô và các đảo nhỏ ở phía đông của biển này thuộc về Lãnh thổ Quần đảo Biển San hô (Coral Sea Islands Territory). Thêm vào đó, về mặt địa lý, một số đảo ở phía tây và thuộc về Nouvelle Calédonie cũng là thành phần của Quần đảo Biển San hô, như Quần đảo Chesterfield và Bellona Reefs.
Vũng Biển San hô được hình thành từ khoảng 58 - 48 triệu năm trước vì thềm lục địa Queensland nâng lên, tạo thành dãy núi Great Dividing Range, và cùng lúc đó, các khối lục địa lún xuống. Về mặt sinh thái học, Biển San hô là nguồn cung cấp san hô quan trọng cho Rạn san hô Great Barrier, cả trong lúc hình thành và sau khi mức biển thấp xuống.
1. Biển Philippines
Biển Philippines là một biển nằm ở phía đông và đông bắc Philippines với tổng diện tích bề mặt khoảng 5 triệu km² (2 triệu mi²). Nó tọa lạc ở phần miền tây của Bắc Thái Bình Dương. Biển này tiếp giáp với quần đảo Philippines (Luzon, Catanduanes, Samar, Leyte và Mindanao) về phía tây nam; Halmahera, Morotai, Palau, Yap, và Ulithi (quần đảo Caroline) về phía đông nam; quần đảo Mariana, gồm Guam, Saipan, và Tinian, về phía đông; the quần đảo Bonin và Iwo Jima về phía đông bắc; các đảo Honshu, Shikoku, và Kyūshū của Nhật Bản về phía bắc; quần đảo Ryukyu về phía tây bắc; và Đài Loan về phía tây.
Biển này có địa hình phức tạp và đa dạng. Đáy biển gồm những đồng bằng biển được tạo nên bởi một loạt sự đứt đoạn và rạn nứt địa chất. Những vòng cung đảo, nổi lên trên mặt nước nhờ các hoạt động kiến tạo mảng, vây quanh biển Philippines về phía bắc, đông và nam. Quần đảo Philippines, quần đảo Ryukyu, và quần đảo Mariana là những ví dụ về điều này. Một điểm nổi bật khác của biển Philippines là sự hiện diện của rãnh biển sâu, trong số chúng rãnh Philippines và rãnh Mariana có những điểm sâu nhất thế giới.
Theo VFlist
10 Biển Rộng Lớn Nhất Thế Giới
Reviewed by Sidol Media
on
10:30 AM
Rating:
No comments: